Lai Châu: Chuyện thoát nghèo của người La Hủ
Người La Hủ ở Bum Tở trở về ánh sáng
Dân tộc La Hủ là 1 trong 4 tộc người nằm trong chính sách bảo tồn đặc biệt của Chính phủ. Số lượng người La Hủ trên cả nước không vượt quá 10.000 người và tập trung chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trong đó, xã Bum Tở được ví như "kinh đô" của người La Hủ khi có đến 3.500 nhân khẩu. Trước những năm 2020, đến xã Bum Tở, khắp nơi là đồi núi xác xơ, nương trắng bạc màu, suốt bao thế hệ người La Hủ quẩn quanh với sự đói nghèo.
Cuộc sống khó khăn lại thêm bản tính thật thà, ít va chạm với bên ngoài, người dân tại Bum Tở dễ bị kẻ xấu lợi dụng tin vào tà ma, đạo lạ. Năm 2017, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con, nhiều kẻ xấu đã dụ dỗ người dân bỏ bàn thờ tổ tiên, ốm không đến bệnh viện, bỏ lao động sản xuất, chỉ đọc kinh cầu nguyện, tự khắc cuộc sống sẽ ấm no, đầy đủ. Bum Tở vốn đã khó khăn, lại càng thêm phức tạp.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: Với những khó khăn của Bum Tở hiện nay, yêu cầu cấp bách đặt ra khi đó là phải tuyên truyền, vận động bà con La Hủ nhận thức đúng đắn, quay về với truyền thống văn hoá tốt đẹp và tập trung vào lao động sản xuất, lấy sức mình để lo cho chính mình.
Nhưng khó khăn, thách thức lại chính là cơ hội để Bum Tở nói riêng và Mường Tè nói chung tìm được ra hướng thoát nghèo. Xác định, cần phải giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, thì tự khắc vận động bà con bỏ đạo lạ, tập trung làm ăn sẽ không khó khăn gì, huyện Mường Tè đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ. Gần 200 bí thư chi bộ, trưởng bản thế hệ 8X, 9X được bố trí tại cơ sở với kỳ vọng phát huy hiệu quả sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ để thúc đẩy kinh tế - xã hội, làm gương cho bà con noi theo.
"Trước kia đối với những người làm trưởng bản thì phải uy tín, sống lâu năm có kinh nghiệm, nhưng hiện nay với lớp trẻ được đào tạo bài bản, được ăn học đạt trình độ 12/12, thậm chí là đại học thì cái sức trẻ có trình độ chuyên môn, có kiến thức và xu hướng hiện nay thì những người trẻ đó vào làm bí thư chi bộ, trưởng bản, cộng với sự nhiệt huyết của cán bộ trẻ thì họ sẽ tạo được sức lan tỏa rất là lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Và họ chủ động trong phát triển kinh tế hộ gia đình và tạo hiệu ứng giúp nhân dân phát triển kinh tế" ông Hiển nói.
Thực hiện chủ trương của huyện Mường Tè, Đảng ủy xã Bum Tở ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, đã từng bước triển khai đổi mới cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi những vịa nương, thước ruộng bạc màu kém hiệu quả sang trồng mô hình quế, riềng mang lại thu nhập cao. Để mô hình mới phát huy hiệu quả cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và những người trẻ chính là nhân tố then chốt.
Gia đình chị Phùng Giò Xó vốn là hộ khó khăn của bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trước đây, giống như tất cả hộ dân trong bản, gia đình chị cũng chỉ trông chờ vào mấy nương lúa, nương ngô, ăn cũng chẳng đủ. Khi xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chị mạnh dạn đứng ra thực hiện đầu tiên.
Bên cạnh mong muốn thoát nghèo, điều nữa khiến chị Xó tích cực triển khai thay đổi sản xuất còn bởi chị là một trong những đảng viên, trưởng bản trẻ nhất của toàn xã. Khát khao giúp gia đình và bà con trong bản vươn lên làm giàu là động lực khiến chị mạnh dạn chuyển đổi 4ha sang trồng quế, riềng mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng một năm.
"Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì chúng tôi đăng ký danh sách trồng xong là Nhà nước cấp cây và phân bón, chúng tôi đào hố trồng theo kỹ thuật. Tôi đi xem những mô hình, đi học hỏi, lúc đầu thì tập huấn lớp trồng cây quế 3 tháng xong là thấy hiệu quả giá trị kinh tế cao. Từ đấy thì bà con cũng nhìn theo và nương đã bạc màu không cho năng suất nữa thì cùng nhau xem có hiệu quả xong là đã chuyển sang trồng cây quế vào các nương bạc màu", chị Xó nói.
Với phương châm mình là đảng viên phải làm trước để cho dân bản học tập, noi theo, từ một hộ gia đình trẻ khó khăn, chị Xó đã vươn lên trở thành người khá giả nhất bản. Có điều kiện kinh tế, chị Xó không ngần ngại chia sẻ cách làm ăn và giúp các hộ dân trong bản cùng nhau vươn lên. Chị Xó được bà con dân bản quý mến không chỉ ở ý chí và khát vọng làm giàu, mà còn biết cách chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế với người dân khốn khó nên chị được bà con bầu giữ chức trưởng bản khi mới tuổi 23.
"Bản tôi bây giờ là hơn 80ha đã trồng cây quế thay thế. Nếu mà chặt tỉa cành bán thì hiện tại ở đây thu mua là 2.500/kg. Cây lớn, phát triển từ 10 năm đổ lên thì bà con có thể chặt bán xây được nhà khang trang hơn, có của ăn, của để", chị Xó nói.
Hành trình để cây quế, cây riềng đến với bà con Bum Tở không dễ dàng gì bởi đây là loại cây dài ngày, lâu năm. Mà muốn người dân nghe và làm theo thì phải cho họ thấy được giá trị kinh tế mà những loại cây trồng này mang lại. Vậy nên, ngay từ năm 2017, Đảng ủy xã Bum Tở đã có chủ trương giao nhiệm vụ cho một số hộ gia đình đảng viên làm mẫu, trồng trước, khảo nghiệm và đánh giá, sau đó là nhân rộng. Đặc biệt, tại 7 chi bộ bản, các đồng chí là bí thư chi bộ trẻ phải đồng loạt triển khai và phải đạt được hiệu quả để dân biết và dân tin.
Người La Hủ mong có cuộc sống ấm no
Ông Đỗ Văn Khải, Bí thư Đảng ủy xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: Ngay từ bước đầu xác định với phương châm là cán bộ, đảng viên là người thực hành trước, do đó cũng được đón nhận của các đồng chí ngay tại địa phương. Các đồng chí đã trông ngay từ ban đầu và thực hiện ngay từ khâu thực hành kỹ thuật, chăm, tỉa, quản lý, chăm sóc hàng năm, cán bộ đảng viên đều là những người đầu tiên, xuất phát ngay từ lãnh đạo như là trưởng bản, phó CT UBND xã, địa chính, các đồng chí là những người đầu tiên, sau đó lan rộng ra các gđ đảng viên khác
Thời điểm, đạo lạ "lôi kéo" bà con La Hủ thì Chà Dì là bản bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trưởng bản Phàn Thị Tâm và nhiều đồng chí đảng viên trong chi bộ cũng rất khó khăn để vận động, tuyên truyền bà con trở về với văn hoá truyền thống, âu cũng bởi cuộc sống khó khăn, sản xuất lạc hậu. Dù là một đảng viên trẻ, nhưng đồng chí Tâm vẫn kiên trì từng ngày, một mặt thủ thỉ chuyện trò, mặt khác tích cực chuyển đổi sản xuất, trồng quế dần tạo lập được giá trị kinh tế nhất định. Thế rồi bà con thấy hiệu quả, thành ra nói gì bà con cũng nghe và làm theo. Bây giờ bản Chà Dì không còn ai theo đạo trái pháp luật nữa và nhà nào gần như cũng có diện tích trồng riềng, trồng quế.
Bà Phàn Thị Tâm, Trưởng bản Chà Dì, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ: Từ khi có Nhà nước đầu tư, hỗ trợ giống cây quế thì 4 năm trở lại đây bà con bản Chà Dì cũng mạnh dạn thay đổi đất trồng từ đồi trọc sang trồng cây quế. Hiện tại bản Chà Dì trồng được 84 hộ, trong khi đó là trồng được 64ha cây quế, trồng từ năm 2019 trở về đây. Cây quế thì phát triển tương đối tốt và cũng đem lại hiệu quả cao cho bà con về kinh tế và thu nhập cho các hộ gia đình.
Ông Đỗ Văn Khải, Bí thư Đảng ủy xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: Cùng với cây quế, cây riềng thì hiện nay bà con đang trồng đan xen sa nhân, dổi, đây là những cây trồng được xem là mũi nhọn chủ lực để phát triển kinh tế cho người dân La Hủ ở Bum Tở, với tổng diện tích toàn xã đạt 600ha. Trong đó, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất là "chìa khoá" để mang đến thành công. Và "người chủ" nắm giữ tốt nhất "chìa khóa" đó chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ ở cơ sở.
"Cán bộ không chuyên trách cấp cơ sở của xã Bum Tở thì đến 90% đều là đảng viên trẻ, giữ vị trí chủ chốt như là bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận. Các đồng chí ấy đều được học hành đầy đủ, tiếp cận khoa học kỹ thuật rất nhanh cho nên quá trình tiếp thu các tiến bộ, chỉ đạo rất là kịp thời tạo ra động lực thúc đẩy, làm gương từ lời nói, việc làm cho đến thông tin kết nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp trên với chính quyền địa phương cấp cơ sở nhanh, kịp thời, chính xác" ông Khải nói.
Bum Tở hiện nay được coi là "thủ phủ" quế của tỉnh Lai Châu. Chỉ trong vòng 5 năm, từ một vùng đất hoang vu và xơ xác, Bum Tở đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh chủ trương đúng đắn, quyết tâm và đoàn kết cao, thì hạt nhân mang đến thành công hôm nay phải nói tới đội ngũ 100% bí thư chi bộ, trưởng bản trẻ có năm sinh từ 1985-1999. Câu chuyện thoát nghèo của người La Hủ ở Bum Tở vẫn đang được viết tiếp từ những "mầm cây" đang vươn lên từ đồi núi.