dd/mm/yyyy

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Mường Tè

Tết cổ truyền của người La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu mang dấu ấn độc đáo về bản sắc của một tộc vùng cao. Người La Hủ đón Tết bằng lợn đực và bánh dày, xem vận hạn gia đình mình trong năm mới bằng gan lợn.


Clip: Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Tá Bạ

Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc

Dân tộc La Hủ ở Lai Châu có khoảng trên 10 nghìn người, sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Tè. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn song bà con La Hủ vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống từ trang phục, ẩm thực, các điệu dân ca, dân vũ. Nhất là việc đón tết cổ truyền Khọ Chà của dân tộc La Hủ vẫn được bà con duy trì được nhiều nét văn hóa độc đáo.

Khi mùa thu hoạch kết thúc, tức là vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch, cũng là thời điểm cộng đồng người La Hủ vui xuân đón tết cổ truyền. Đây là cái tết to nhất của người La Hủ, cũng là dịp đoàn tụ của gia đình, cộng đồng. Tiếng La Hủ gọi là "Khọ Chà".

Với Anh Lý Khừ Xá, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu Tết năm nay gia đình anh đầy đủ và ấm cúng hơn vi nuôi được nhiều lợn, gà có thêm thu nhập. Vừa chuẩn bị đồ tết, anh  Khừ Xã vừa chia sẻ với chúng tôi về Tết cổ truyền của dân tộc mình: Người La Hủ ăn Tết theo dòng họ. Thời gian ăn Tết là 3 ngày nhưng chỉ cúng tổ tiên vào ngày thứ hai của Tết. Lễ cúng diễn ra vào lúc 4 – 5 giờ sáng. Người La Hủ quan niệm, cúng tổ tiên thì phải cúng sớm để tổ tiên ăn rồi về trời cho kịp trước khi trời tối.

Ngày đầu tiên của Tết tốt nhất là các ngày Hợi, ngày Ngọ, hoặc Tỵ và phải tránh ngày Dần, Trong 3 ngày Tết, người La Hủ kiêng sát sinh chó, dê  vì họ quan niệm đây là những con vật gần gũi, thân thiết và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của gia đình. Ngoài ra, trong những ngày Tết, khi quét nhà, người La Hủ cũng không vứt rác ra ngoài mà để vào một góc. Hết Tết, họ mới bỏ rác đi.

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Mường Tè - Ảnh 2.

Theo tập quán của người La Hủ, ngày Tết thứ nhất, các gia đình dậy sớm làm bánh dày, bánh chưng, bánh trôi và mổ lợn để ăn tết. Ảnh: Vừ Dơ

Người La Hủ đón Tết bằng lợn đực và bánh dày. Đây cũng là hai thực phẩm quan trọng nhất trong mâm cơm cúng Tết. Vì vậy, dù nhà giàu hay nghèo cũng cố gắng lo cho được những tấm bánh dày và ít thịt lợn để làm mâm cơm cúng tổ tiên.

Món bánh dày  của người La Hủ được làm từ loại gạo nếp thơm ngon được gieo trồng trên nương. Gạo được ngâm với nước ấm từ 1 đến 2 giờ đồng hồ rồi vớt gạo ra cho ráo nước rồi cho vào chõ hông chín. Sau đó giã đều cho tới khi nhuyễn mịn và dẻo là được. Bột nếp chín được nhào thêm cho nhuyễn rồi viên thành bánh tròn và dẹt. Bánh dày chỉ dành cho những người trong gia đình, cùng dòng họ và gần gũi nhau, không dành cho người ngoài. Mỗi chiếc bánh được đặt lên một chiếc lá chuối nhỏ. Bánh gói xong đảm bảo độ trắng, dẻo, mịn.

Chị Pờ Hô Pư, bản Tá Bạ, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ: Ngày tết của người La Hủ chúng tôi món bánh dày không thể thiếu được, sáng hôm nay tôi đã phải dậy sớm để đi lấy lá chuối để gói bánh dầy, bởi vì gói bằng lá chuối bánh sẽ thơm và ngon hơn. Để là được những chiếc bánh dầy cho ngày tết có rất nhiều công đoạn, xong quan trọng nhất là khi giã phải đều tay thì bánh phải mịn và dẻo thì bánh mấy ngon.

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Mường Tè - Ảnh 3.

Món bánh dày của người La Hủ được làm từ loại gạo nếp thơm ngon được gieo trồng trên nương. Ảnh: Vừ Dơ

Xem vận hạn gia đình mình trong năm mới bằng gan lợn

Mổ lợn ngày tết cũng là lúc vui nhất trong ngày bởi tiếng lợn kêu, tiếng dao thớt và tiếng cười đùa của các nhà trong dòng họ hò reo. Người ta tin rằng nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần được ngay, thì cả năm đó sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. 

Lợn mổ vào dịp Tết người La Hủ phải là con lợn đực khỏe mạnh, lông màu đen, bốn chân cân đối với nhau, hai tai vểnh, lông không được dày mà phải thưa và đều. Con lợn dùng để mổ tết phải là lợn khỏe, không được ốm vì sau khi mổ lợn, ông chủ nhà sẽ xem lá gan của con lợn để biết vận hạn của gia đình trong cả năm. Và để cầu may, bao giờ người ta cũng mổ lợn lành, lợn khỏe để có được lá gan tốt.

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Tá Bạ - Ảnh 3.

Khi mổ lợn, người La Hủ để riêng nội tạng lợn, trong đó quan trọng nhất là lá gan. Lá gan vừa lấy ra vẫn đang nóng sẽ được ông chủ nhà đình xem bói vận hạn gia đình mình trong năm mới. Ảnh: Vừ Dơ

Trước khi thịt lợn, người ta phải cân để so sánh với trọng lượng của lợn thịt trong Tết năm trước. Người ta quan niệm rằng nếu lợn thịt vào Tết năm nay nặng hơn lợn thịt vào Tết năm trước tức là gia đình đó làm ăn phát triển. Trước khi chọc tiết, người ta sẽ cho lợn "ăn Tết" thì lợn sau khi chọc tiết, cạo lông sẽ được mổ phanh bụng và được người ta bóc tách từng phần riêng rẽ vì mỗi phần mang một ý nghĩa riêng. Bắt đầu, phần bụng từ xương ức cho tới sát hậu môn được cắt thành một hình chữ nhật tượng trưng cho đất. Phần đuôi được khoét vào hai bên hông thành một hình tròn tượng trưng cho mặt trăng.

Cũng là cầu mong cho con lợn năm sau sẽ to béo hơn, khi cắt phần đầu, người ta khéo léo cắt vòng từ cổ xuống, để dính lại một ít thịt ở gáy, rồi hai tay cầm cái đầu gần đứt rời kia đập đập lại vào cổ nó ba lần, hô to: "Năm nay một tạ, năm sau hai tạ, năm sau ba tạ". Đó cũng chính là ước mong một cuộc sống ấm no, sung túc cho cả gia đình trong năm mới.

Anh Lý Khừ Xá, bản Tá Bạ - xã Tá Bạ - huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ: Lá gan lợn còn nóng hổi được đặt lên một cái mẹt để chủ nhà xem vận mệnh của gia đình trong năm đó. Ông chủ nhà ngồi trước cái mẹt đựng gan lợn, một tay cầm một cái que nhỏ hoặc một cái đũa đặt nằm ngang lên mặt lá gan rồi vừa hơi ấn vừa gạt gạt qua bên nọ rồi lại bên kia nhằm để cho bề mặt lá gan căng ra làm cho những tia máu dưới bề mặt lá gan ấy hằn rõ lên rồi thông qua những "tín hiệu" của các tia máu ấy mà ông ta sẽ biết trong năm đó gia đình mình sẽ làm ăn như thế nào, tình hình của mọi người ra sao.

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Tá Bạ - Ảnh 4.

Theo quan niệm của người La Hủ nếu các tia máu ở lá gan hiện rõ, không đứt và đỏ tươi là tốt nhất bởi nó báo hiệu mọi thứ đều tốt đẹp.

Lễ cúng tổ tiên được các gia đình người La Hủ thực hiện vào sáng sớm ngày thứ hai của Tết cổ truyền. Gà gáy canh một, phụ nữ các gia đình đi lấy nước sạch nấu cơm để cúng. Người La Hủ quan niệm, thời gian đó dòng nước suối sẽ sạch sẽ, không bị nhiễm bẩn.

Mâm lễ cúng tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền của người La Hủ có cơm, thịt lợn và bánh dày. Đích thân ông chủ nhà thực hiện nghi lễ cúng. Đồ lễ được bày trên cái mâm nhỏ đan mắt cáo hoặc cái mẹt đặt ở đầu giường ngủ của vợ chồng gia chủ. Ông chủ nhà quỳ trước mâm lễ chắp tay kính cẩn khấn tổ tiên:

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Mường Tè - Ảnh 6.

Người La Hủ ăn Tết theo dòng họ. Thời gian ăn Tết là 3 ngày nhưng chỉ cúng tổ tiên vào ngày thứ hai của Tết. Ảnh: Vừ Dơ

Từ chiều ngày thứ hai đến hết ngày thứ ba của Tết cổ truyền, mọi người đi chúc Tết nhà nhau với những lời lẽ tốt đẹp và tình cảm chân thành. Chủ nhà thể hiện sự hào phóng của mình bằng mâm rượu thịt đầy ắp với những món ăn đặc trưng trong những ngày Tết cổ truyền. Có ba thứ không thể thiếu là thịt lợn nghi ngút khói; gan lợn luộc; món nước chấm làm từ thịt lợn trộn với vài loại thảo quả có hương vị cay, nồng và được sắp bày đúng lễ nghi ngày Tết.

Trên mâm cỗ Tết của người La Hủ bao giờ thứ được mang ra trước cũng là một đĩa muối ớt đặt xuống giữa bàn hoặc mâm rồi mới đặt đến các món khác bởi người La Hủ quan niệm đĩa muối ớt tượng trưng cho chủ nhà. Có muối ớt là có "mồi". Ngoài ra, khi có khách, đĩa muối ớt – thứ tượng trưng cho chủ nhà ấy còn là sự thể hiện lòng hiếu khách của gia chủ. Khách đang ngồi chơi, người nhà gia chủ mang đĩa muối ớt đặt ở giữa mâm là hành động thay cho lời mời khách ở lại uống rượu với gia đình.

Các bát đĩa đựng thức ăn trên mâm cỗ Tết và cả mâm cơm ngày thường của người La Hủ không được xếp theo một đường thẳng. Trung tâm của mặt hay mâm bao giờ cũng là đĩa muối ớt. Xung quanh đĩa muối ớt là các món canh, thịt các loại. Đĩa gan lợn để trước mặt ông chủ nhà. Góc trên của mâm là vị trí chủ. Đó là vị trí của ông chủ nhà. Trường hợp bố đẻ của chủ nhà hoặc bố vợ của chủ nhà tới chơi cũng ngồi mâm thì những người đó sẽ được ngồi ở vị trí chủ.

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Tá Bạ - Ảnh 5.

Người La Hủ quan niệm, cúng tổ tiên thì phải cúng sớm để tổ tiên ăn rồi về trời cho kịp trước khi trời tối. Ảnh: Vừ Dơ

Trong các món ăn ngày Tết, người La Hủ quan niệm miếng gan là miếng chủ bởi nó là vật linh thiêng. Các mạch máu ở miếng gan có thể cho người ta biết được vận hạn của gia đình hay cộng đồng nên miếng gan được coi trọng và là thứ để "làm lý khai vị" trong mỗi bữa ăn ngày Tết. Vì lẽ đó, khi bắt đầu bữa ăn bao giờ cũng là một lượt cả mâm nâng chén 2 lần uống cạn. Sau đó, ông chủ nhà gắp 1 miếng gan đưa vào miệng nhai rồi ông lại gắp 1 miếng nữa đưa tiếp vào miệng hay bỏ vào bát mình đều được, miễn là ông đã lấy đủ hai miếng. Sau đó, ông chủ nhà lại gắp bỏ vào bát mỗi người 2 miếng gan. Mọi người ăn hết hai miếng gan ấy rồi mới được đụng đũa đến các món khác.

Bà Pờ Khú Pứ, bản Tá Bạ- xã Tá Bạ,huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu Chia sẻ: Trong ngày tết người La Hủ chúng tôi thường ăn mặc đẹp, con cháu mỗi người một việc để làm cơm cúng tết, người thì làm bánh dày, người thì mổ lợn, dọn dẹp nhà cửa, phụ nữ chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho mình những trang phục đẹp nhất để đón tết.

Vui tết với các trò chơi dân gian, điệu hát dân ca

Nếu người khách đến chơi biết hát dân ca, gia chủ sẽ mời khách hát nhưng cũng phải mời cho đúng lý. Lý mời hát bên mâm rượu ngày Tết của người La Hủ là gia đình bày mâm rượu. Trên mâm, một bên bày 6 chén rượu: 2 chén "rửa" tay, 2 chén "rửa" chân, 1 chén "rửa" mặt còn 1 chén để uống, nói là "rửa" nhưng đều dùng để uống và khách phải uống cạn 6 chén rượu ấy. Một bên đặt 1 giỏ cơm, trong giỏ cơm có 1 khoanh thịt mỡ đã luộc chín, giữa khoanh thịt mỡ nhét sẵn mấy quả ớt đỏ. Người khách được quyền tự do lựa chọn, hoặc bên này hoặc bên kia. Sau khi chọn xong "phần" của mình, người khách vui vẻ đặt lên mâm mấy đồng tiền mừng tuổi chủ nhà rồi hát một bài, mang nội dung cảm ơn và cầu mong điều may mắn, hạnh phúc cho gia chủ.

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Tá Bạ - Ảnh 6.

Tết cổ chuyên, phụ nữ La Hủ sắm cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, Ảnh: Vừ Dơ

Ngày thứ hai của Tết cổ truyền, buổi sáng từ sáng sớm đến 12 giờ trưa diễn ra các nội dung: chuẩn bị thực phẩm, cúng tổ tiên và liên hoan tiệc rượu tại các gia đình. Nhưng sau 12 giờ trưa, cả bản trở lên nhộn nhịp, đường mòn trong bản lúc nào cũng có người. Đám con gái thì sặc sỡ với bộ trang phục mới diện Tết, cười nói rôm rả. Cánh đàn ông con trai người thì mặt đỏ tưng bừng. Họ đến chơi nhà nhau. Vào ngày thứ ba của Tết, nhà nào cũng vậy, từ người già cho đến thanh niên đều đi chơi hết các nhà trong bản. Nhiều người còn đi chơi ở bản bên. Ai nấy cũng đều đến mỗi nhà ngồi một tí, khách và chủ uống với nhau vài đôi lượt rượu, chúc cho nhau những lời chúc tốt lành. 

Ngoài những cuộc rượu, trong những ngày Tết cổ truyền, các bản tưng bừng với các trò chơi dân gian và các điệu múa truyền thống. Phổ biến nhất là trò đánh cù. Trống, chiêng rộn rã, từng đôi nam thanh nữ tú trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của mình tay giấu trong tay, mắt soi vào mắt, cùng say sưa nhảy những điệu sơn vũ được lưu truyền từ muôn kiếp cha ông. Sau những ngày vui Tết, rất nhiều lứa đôi đã trở nên tâm đầu ý hợp, thầm mong ngày "nên vợ nên chồng".

Độc đáo tết truyền thống của người La Hủ ở Tá Bạ - Ảnh 7.

Ngoài những cuộc rượu, trong những ngày Tết cổ truyền, các bản tưng bừng với các trò chơi dân gian và các điệu múa truyền thống. Ảnh: Vừ Dơ

Trong những ngày tết, cùng với thực hiện các lễ nghi thì tại các bản còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Các chàng trai, cô gái La Hủ với những bộ trang phục mới, sặc sỡ say sưa hòa mình trong các trò chơi dân gian hay các điệu dân ca dân vũ trong tiếng trống chiêng rộn ràng. Các trò chơi dân gian cổ truyền của người La Hủ có hai dạng. Một là dạng trò chơi thiêng gồm các trò đu lăng, đu quay, bập bênh quay và bập bênh lên xuống dành cho mọi đối tượng tham gia chỉ được tổ chức trong Tết mùa mưa. Hai là dạng trò chơi giải trí gồm các trò đánh cù và đi cà kheo thường chỉ có các nam thanh thiếu niên chơi và có thể chơi mọi lúc, mọi nơi.

Hiện nay, hầu như bà con La Hủ đã ăn tết cổ truyền trùng thời gian với các dân tộc khác, song những nét riêng trong phong tục đón tết cổ truyền vẫn được bà con duy trì, gìn giữ, tạo nên nét độc đáo riêng biệt, góp phần tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Lai Châu.



Văn Ngọc