dd/mm/yyyy

Chung sức để phát triển gà đồi Yên Thế theo hướng bền vững

Sau hơn 10 năm phát triển, chăn nuôi gà đồi đã trở thành ngành kinh tế chủ lực tại huyện miền núi Yên Thế. Nhưng để phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế theo hướng bền vững, mong muốn của người chăn nuôi nơi đây là cần ngăn chặn được tình trạng gà nhập lậu; mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế...

Bấp bênh đặc sản gà Yên Thế

Năm 2011, gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ độc quyền. Gà đồi Yên Thế được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố. Người nông dân Yên Thế đã thực sự hưởng lợi từ thương hiệu do chính họ tạo nên.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải sang) trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trong Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải sang) trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trong Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế.

Nhưng đã có lúc, con gà cũng khiến cho nhiều gia đình nông dân nơi vùng cao này “tán gia, bại sản”. Đó là việc tăng quy mô đàn ồ ạt, thiếu định hướng khiến gà Yên Thế luôn phải đối mặt với sức ép thị trường tiêu thụ. Mặt khác, người nuôi thiếu sự chọn lựa giống, chỉ chú trọng vào loại gà lớn nhanh, mã đẹp,... làm cho chất lượng thịt kém, người mua quay lưng.

Đó là chưa kể đến dịch bệnh luôn đe dọa người chăn nuôi, mà điển hình là vào các năm 2008 đến 2010, cả huyện Yên Thế bị chết hàng triệu con gà, phải mang đi chôn, tiêu hủy. Hay như việc thiếu thông tin trong chăn nuôi, năm 20014, hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ ngân hàng do tăng đàn đột xuất, trong khi giá gà “lao dốc” không phanh...

Cần hợp sức từ nhiều phía

Từ năm 2012 đến nay, địa phương rất chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi, thực hiện hiệu quả đề án sản xuất, cung ứng gà; chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ... Tỉnh Bắc Giang dành hàng tỉ đồng hỗ trợ công tác lai tạo, thuần hóa các giống gà phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương.

Ngoài ra, UBND huyện Yên Thế đã phối hợp với Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nghiên cứu, lai tạo thành công giống gà VP34, mang những đặc trưng riêng như: Khỏe, nhanh lớn, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon... Hiện, giống gà này bước đầu được giao cho một số hộ nuôi thí điểm, cho hiệu quả tích cực và đang được hoàn thành các thủ tục liên quan để đưa vào chăn nuôi đại trà.

Yên Thế chú trọng phát triển gà đồi theo hướng bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh Bắc Giang.
Yên Thế chú trọng phát triển gà đồi theo hướng bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh việc chuẩn hóa con giống, các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ với việc hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) theo quy trình VietGAP... Đơn cử như HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, đã thu hút và liên kết 27 hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn huyện; ký hợp đồng cam kết tiêu thụ hơn 60 nghìn con gà, tạo chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ.

Anh Giáp Quý Cường - Giám đốc HTX cho biết: Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi, giết mổ; sản phẩm được kiểm soát về chất lượng, gắn tem, kẹp chì truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá thu mua được ấn định ở mức ổn định từ 68 đến 70 nghìn đồng/kg tùy loại, cao hơn từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg so với thị trường, bảo đảm các hộ có lãi. Đổi lại, các hộ cam kết nhập giống, chăn nuôi theo quy trình hướng dẫn, chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng của HTX.

Vấn đề kiểm soát nguồn thức ăn cho gà cũng được chú trọng. Để có được những con gà chắc thịt, thơm ngon và quá trình sinh trưởng ổn định, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam để cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng. Đây cũng là nguồn thức ăn chăn nuôi chính đang được nhiều hộ nuôi gà tại Yên Thế, Bắc Giang sử dụng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Trí Hải - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Bên cạnh nâng cao chất lượng giống, sản phẩm, địa phương còn luôn tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”. Đặc biệt, cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế. Trước mắt, tập trung kết nối đưa gà đồi vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng.., nhất là tại Thủ đô Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018 để kịp thời phục vụ nhu cầu người dân.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế đã, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, HTX xây dựng các điểm thu mua, gắn tem, lô gô thương hiệu đã được bảo hộ. Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương trong vùng thu giữ, xử lý sản phẩm nhái thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra thú y, kiểm soát tốt vật nuôi ra, vào huyện; chú trọng quản lý thương hiệu, gắn trách nhiệm đến từng hộ chăn nuôi...

Huyện Yên Thế (Bắc Giang) hiện có khoảng 3,3 triệu con gà, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 12 đến 14 triệu con, giá trị sản xuất khoảng 1,2 nghìn tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, vấn đề phát triển gà đồi theo hướng bền vững để phát huy thương hiệu, ngăn chặn gà nhập lậu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế,... đang là mục tiêu của người chăn nuôi nơi đây.

Ngọc Tùng