dd/mm/yyyy

Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ chính sách hợp lòng dân

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở tỉnh miền núi Lai Châu. Được hưởng lợi từ chính sách, người dân trong tỉnh ngày càng tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng.

Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Phạm Bá Việt – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu, cho biết: Những năm gần đây, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu thực hiện khá tốt việc thu, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhờ có chính sách này mà công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rêt. Người dân các xã, bản ngày càng tích cực hơn trong việc bảo vệ, phát triển rừng.

Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ chính sách - Ảnh 1.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đi vào cuộc sống của người dân Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Được biết, để có cơ sở chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu chủ trì, tập trung, khẩn trương triển khai công tác xác định diện tích rừng được chi trả theo kế hoạch. Cụ thể, đến ngày 14/3/2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu đã hoàn thành xong công tác xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR năm 2022 trên địa bàn, đảm bảo đúng thời gian quy định. Theo đó, tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ moi trường rừng năm 2022 của toàn tỉnh Lai Châu là: 450.536,65 ha, với 125 đơn vị chủ rừng.

Trên cơ sở diện tích rừng được chi trả đã được xác định, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu tích cực triển khai và đôn đốc các bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng gửi hồ sơ thanh toán về Quỹ để chi trả. Đến ngày 04/5/2023, Quỹ đã chi trả xong tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 cho 123/125 bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ chính sách - Ảnh 2.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp, chinh sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, UBND cấp xã thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân nhận khoán, nhận hợp đồng bảo vệ rừng, đúng, đủ diện tích và đảm bảo thời gian theo quy định.

Theo Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị kê khai và nộp tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hợp đồng đã ký kết. Tính đến tháng 9/2023, cơ bản các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện việc kê khai và nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng về Quỹ đảm bảo đúng quy định.

Nhân lên màu xanh cho những cánh rừng ở Lai Châu

Đối với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng có lưu vực liên tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam triển khai tiếp nhận tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng của các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng năm 2023, đảm bảo đúng quy định. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Quỹ đã thực hiện tiếp nhận 71.032,24 triệu đồng.

9 tháng đầu năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu đã thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với 8 nhà máy thủy điện, nâng tổng số hợp đồng đã ký kết lên 56 đơn vị.

Rừng Lai Châu thêm xanh nhờ chính sách - Ảnh 3.

Tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu tăng lên qua các năm. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ tốt hơn. Tình trạng khai thác rừng trái pháp luật hay chặt phá rừng làm nương rẫy, cháy rừng… tại các huyện, thành phố trong tỉnh giảm mạnh. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà người dân các xã, bản có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống" – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu, thông tin.

Anh Lý A Điếng, ở bản Khoang Thèn (xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) phấn khởi nói: "Từ nhiều năm nay, năm nào, gia đình tôi và các hộ dân trong bản cũng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Năm 2022, gia đình tôi được nhận hơn 32 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhờ khoản tiền này mà gia đình tôi có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống, mua cây, con giống, phân bón phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Được trả tiền bảo vệ rừng, bà con trong bản coi rừng như báu vật. Người dân trong bản, không ai bảo ai, đều cố gắng, nỗ lực bảo vệ rừng xanh tốt để được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cao hơn".

Có thể khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân các xã, bản ở Lai Châu. Thay vì thiếu sự quan tâm như trước, giờ đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tích cực hơn, nỗ lực hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Những cánh rừng trên địa bàn Lai Châu cũng nhờ đó mà ngày càng phát triển xanh tốt. Tỷ lệ đô che phủ rừng của tỉnh tăng lên qua các năm.


Thanh Ngân