dd/mm/yyyy

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Tiếp sức XDNTM

Được chi trả dịch vụ môi trường rừng, hàng nghìn hộ dân ở Lai Châu có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Rừng phủ xanh nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Những năm qua, nhất là từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác bảo vệ phát triển rừng ở tình miền núi Lai Châu đã có những chuyển biến tích cực. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã sớm đi vào cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Bà con nông dân các xã, bản từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh Lai Châu ngày càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về giá trị to lớn của rừng. Từ sự chuyển biến về nhận thức, ý thức bảo vệ rừng của người dân cũng ngày một nâng cao. Những cánh rừng ở Lai Châu cũng nhờ đó mà ngày càng xanh tốt.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Tiếp sức chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Những cánh rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu ngày càng được phủ xanh nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Có dịp vào huyện biên giới Mường Tè của tỉnh Lai Châu, được "mục sở thị" những cánh rừng xanh tốt mới hiểu rõ ý thức, quyết tâm giữ rừng của chính quyền và người dân nơi đây. Người dân các xã, bản cùng chung tay bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, Mường Tè luôn là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh Lai Châu về tỷ lệ độ che phủ rừng.

Ông Tống Văn Hoàn - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè, cho hay: Trước đây, phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì chưa nhận thức được giá trị của rừng nên tình trạng phá rừng làm nương rẫy của người dân diễn ra khá phổ biến. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân được hưởng lợi nên quan tâm hơn đến việc giữ rừng. Trên địa bàn huyện không còn tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy nữa.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Tiếp sức chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Bảo vệ và phát triển rừng đem lại sinh kế bền vững cho người dân. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chỉ tay về phía cánh rừng xanh tốt ở ngay đầu bản, anh Vàng Giá Hừ, dân bản Nậm Xả (xã Bum Tở, huyện Mường Tè) phấn khởi nói: Trước đây, cánh rừng này cũng không xanh tốt lắm. Từ khi được cán bộ tuyên truyền về lợi ích của rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con dân bản đã hiểu ra và cùng chung tay bảo vệ. Cánh rừng này nhờ đó mà mới phát triển xanh tốt như bây giờ. Gia đình tôi thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong xã cũng một phần là nhờ vào nguồn tiền bảo vệ rừng được chi trả hàng năm. Mỗi năm, gia đình tôi cũng được nhận gần 10 triệu đồng tiền bảo vệ rừng. Số tiền đó được gia đình tôi đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu tiếp sức xây dựng nông thôn mới

Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, người dân tỉnh Lai Châu đã có nguồn thu nhập ổn định. Nguồn thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng đã và đang được người dân các xã, bản trong tỉnh sử dụng có hiệu quả. Không chỉ sử dụng hiệu quả tiền bảo vệ rừng vào phát triển kinh tế gia đình, người dân nhiều bản ở các xã của tỉnh Lai Châu còn mạnh dạn đóng góp xây dựng nông thôn mới. Từ nhiều năm nay, tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng các bản. Để bảo vệ rừng ngày càng xanh tốt, các bản đều thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của các hộ dân. Tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả trực tiếp cho các hộ dân.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Tiếp sức chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Để bảo vệ rừng ngày càng xanh tốt, các bản ở Lai Châu đều thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của các hộ dân. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ông Nguyễn Đình Thượng – Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho biết: Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức bảo vệ rừng của người dân trong xã đã được nâng lên tầm cao mới. Phong trào bảo vệ rừng trên địa bàn xã đã đi vào nề nếp. Những cánh rừng trong xã phát triển xanh tốt hẳn lên. Điều đáng mừng là người dân trong xã sử dụng khá hiệu quả tiền bảo vệ rừng vào phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ có vậy, người dân các bản còn tự nguyện trích lại một khoản tiền dịch vụ môi trường rừng để mua sắm bán, ghế phục vụ sinh hoạt chung tại nhà văn hóa hay đóng góp làm đường giao thông nội đồng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Tiếp sức chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Nhờ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu) cùng nhau đóng góp mua sắm bàn ghế, các trang thiết bị cho nhà văn hóa bản. (Ảnh: Phạm Hoài)

Qua câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, chúng tôi được biết: Năm 2021, các hộ dân ở bản Sì Miền Khan đã trích tiền bảo vệ rừng để làm 2km đường giao thông nội đồng, phục vụ sản xuất. Từ sự đóng góp đó, con đường mòn lên khu sản xuất của bản ngày nào khó đi, thì nay đã được mở rộng. Có đường giao thông thuận lợi, bà con trong bản tích cực lao động sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Việc người dân các bản tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới từ tiền bảo vệ rừng không chỉ có ở Nùng Nàng, mà còn có ở các xã khác của tỉnh Lai Châu. Có nơi người dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa, có bản thì đóng góp lắp cột đèn chiếu sáng…

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Tiếp sức chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang tiếp sức chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. (Ảnh: Phạm Hoài)

Có thể khẳng định, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Chính sách đầy nhân văn đó không chỉ giúp cho những cánh rừng trong tỉnh ngày càng xanh tốt, mà còn tiếp sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Thanh Ngân - Phạm Hoài