dd/mm/yyyy

Dịch vụ môi trường rừng: Chìa khóa giúp Lai Châu giữ rừng

Chính sách dịch vụ môi trường rừng đang là “chìa khóa” giúp người dân xã Phìn Hồ (Sìn Hồ, Lai Châu) quyết tâm bảo vệ và nhân lên màu xanh của rừng.

Chìa khóa để người dân xã Phìn Hồ (Sìn Hồ, Lai Châu) đồng lòng bảo vệ rừng

Dịch vụ môi trường rừng "chìa khóa" giúp người dân Phìn Hồ quyết tâm bảo vệ rừng

Phìn Hồ là một xã vùng cao của huyện Sìn Hồ (Lai Châu), chủ yếu là dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, nhận thức của người dân còn hạn chế, người dân thường phá rừng và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép… Từ khi có chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân trên địa bàn xã Phìn Hồ (Sìn Hồ, Lai Châu) có thêm một khoản thu nhập từ việc bảo vệ rừng, từ đó, cuộc sống cũng ổn định hơn nhiều.

Lai Châu chìa khóa để người dân đồng lòng bảo vệ rừng - Ảnh 2.

DVMTR được xem như "chìa khóa" để thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Người dân xã Phìn Hồ ngày càng nhận thức rõ lợi ích của DVMTR mang lại cho mình. Người dân trong xã ai nấy đều đồng lòng, quyết tâm bảo vệ và nhân lên màu xanh của rừng. Trong những năm qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép không còn xảy ra trên địa bàn xã. DVMTR được xem như "chìa khóa" để thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng.

Cũng như nhiều hộ dân khác ở bản Tà Gênh, xã Phìn Hồ (Sìn Hồ, Lai Châu), nhiều năm qua từ tiền chi trả DVMTR, gia đình anh Sùng A Dua có thêm kinh phí để phát triển kinh tế, cuộc sống của gia đình anh ngày càng ổn định. Anh và người dân trong bản ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của mình.

Lai Châu chìa khóa để người dân đồng lòng bảo vệ rừng - Ảnh 3.

Lai Châu chìa khóa để người dân đồng lòng bảo vệ rừng - Ảnh 4.

Từ tiền chi trả DVMTR, gia đình anh Dua có thêm tiền để mua thức ăn cho đàn vật nuôi của gia đình. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử (PV), anh Dua cho biết: Trong năm 2021 vừa qua, gia đình anh nhận được hơn 3 triệu đồng tiền chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Với số tiền này, gia đình anh đã có thêm chi phí dùng để mua sắm đồ đạc, mua giống và thức ăn cho đàn vật nuôi của gia đình.

"Nhận được tiền chi trả DVMTR tôi rất vui, tôi đã ý thức tầm quan trọng của rừng, quyết tâm bảo vệ rừng. Tôi sẽ cùng với bà con trong bản cùng nhau chung tay bảo vệ rừng"- anh Dua phấn khởi cho biết.

Dịch vụ môi trường rừng nguồn sinh kế bền vững giúp người dân thoát nghèo

Trao đổi với PV, ông Giàng A Pềnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ (Sìn Hồ, Lai Châu) chia sẻ: Năm 2021, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ được chi trả hơn 2 tỷ đồng, cho 731 hộ dân trong đó có 88 hộ thuộc bản Nậm Mạ Dao, xã Ma Quai. Với tiền chi trả DVMTR đã giúp người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng. Bên cạnh đó, từ số tiền này, người dân trên địa bàn xã đã có điều kiện để mua thêm cây giống, vật tư nông nghiệp để phát triển kinh tế.

Lai Châu chìa khóa để người dân đồng lòng bảo vệ rừng - Ảnh 5.

Tiền chi trả DVMTR là nguồn sinh kế bền vững cho người dân xã Phìn Hồ. (Ảnh: Phạm Hoài)

"Tiền chi trả DVMTR tuy không được nhiều nhưng đấy là nguồn sinh kế bền vững, giúp các hộ dân trên địa bàn xã Phìn Hồ có điều kiện tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo" – ông Pềnh nhấn mạnh.

Từ việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã có tác động rất lớn trong việc cải thiện đời sống của người dân, tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó giúp ổn định an ninh chính trị, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Bên cạnh đó, DVMTR là động lực để người dân có ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy, góp phần phủ xanh diện tích đất trống đồi trọc trên địa bàn xã Phìn Hồ.


Thanh Ngân-Phạm Hoài