dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Lai Châu làm tốt dịch vụ môi trường rừng

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu đã và đang góp phần nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn.

Quản lý tốt nguồn thu dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu

Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lai Châu có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển nông – lâm nghiệp. Toàn tỉnh hiện có khoảng 470.470ha rừng, trong đó có 28.578ha rừng đặc dụng, 252.128ha rừng phòng hộ và hơn 160.390ha rừng sản xuất. Chú trọng triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cùng vào cuộc. Nhờ đó, công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng của tỉnh Lai Châu luôn đạt kết quả cao qua các năm.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Tòng Thị Hương – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu, cho biết: Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần tô thêm màu xanh cho những cánh rừng trên địa bàn tỉnh. Để có tiền chi trả kịp thời cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tiếp nhận tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng có lưu vực liên tỉnh.

Lai Châu: Làm tốt công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 1.

Công tác tuần tra bảo vệ rừng ở Lai Châu thường xuyên được tiến hành bởi tổ chuyên trách bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Đối với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng có lưu vực trong tỉnh, mà cụ thể là các nhà máy thủy điện trên địa bàn và công ty cổ phần nước sạch Lai Châu, chúng tôi tiến hành đàm phán, kí kết hợp đồng ủy thác. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu còn thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các nhà máy thủy điện kê khai và nộp tiền ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đúng quy định, tránh tình trạng nợ đọng kéo dài.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, tỉnh Lai Châu dự kiến thu 464 tỷ 488 triệu đồng từ 36 cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng, gồm 7 cơ sở sản xuất thủy điện lớn; 23 cơ sở sản xuất thủy điện nhỏ và 6 chi nhánh nước do Công ty Cổ phần nước sạch Lai Châu quản lý.

Lai Châu chi trả kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng

Lai Châu: Làm tốt công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 2.

Tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu không ngừng tăng lên. (Ảnh: Thanh Ngân)

Cùng với việc thu tiền từ các cơ sở sử dụng DVMTR, công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, cá nhân trong tỉnh cũng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu thực hiện tốt, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.

Việc thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện thông qua Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện và UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án khoán bảo vệ rừng tới từng cộng đồng thôn, bản và người dân, đảm bảo đúng quy định.

Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tập trung triển khai công tác xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Căn cứ vào số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu hàng năm và kết quả xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu thông báo chi tiết số tiền chi trả đến Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, UBND các xã, thị trấn.

Lai Châu: Làm tốt công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 3.

Người dân tỉnh Lai Châu tích cực tham gia giữ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Không dừng lại ở đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu còn hướng dẫn, đôn đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, UBND các xã, thị trấn xây dựng bản đồ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm; Thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra thực tế việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán tại Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện và UBND các xã, thị trấn. Các đơn vị thực hiện khá nghiêm túc việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng, đảm bảo đúng đối tượng, đúng diện tích và mức chi trả.

Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã giảm rõ rệt. Tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy hầu như không còn. Các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép không còn phổ biến như trước. Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân tỉnh Lai Châu ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. Những cánh rừng trên địa bàn tỉnh cũng nhờ đó mà ngày một xanh tốt, tỷ lệ độ che phủ rừng không ngừng tăng lên.

 

 

Thanh Ngân