dd/mm/yyyy

Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nùng Nàng

Dịch vụ môi trường rừng đang tạo động lực cho người dân xã Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu) quản lý, bảo vệ rừng...

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nùng Nàng

Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/ Trang Trại Việt điện tử (PV), ông Nguyễn Đình Thượng – Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu) cho biết: Xã Nùng Nàng hiện đang quản lý 1.174ha diện tích rừng. Năm 2021, xã chi trả gần 1,1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho 670 hộ. Trước đây, khi chưa có tiền chi trả DVMTR, các tổ xung kích của các bản không ai quan tâm đến việc tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng. Từ khi có chính sách DVMTR tình trạng cháy rừng giảm hẳn, ý thức của người dân nâng cao. Hai năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy thảm thực vật nào do bà con đốt nương phải huy động lực lượng chuyên trách của bản để dập tắt.

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nùng Nàng - Ảnh 1.

Xã Nùng Nàng hiện đang quản lý 1.174ha diện tích rừng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Để giữ rừng, xã đã thành lập các tổ chuyên trách của bản để tuần tra, bảo vệ rừng. Xã có 7 bản, trong mỗi bản tùy từng diện tích rừng mà các bản thành lập nhiều tổ bảo vệ ít nhiều khác nhau, có bản thành lập đến 4 tổ. Ở các tổ, các thành viên tự đứng ra đấu tranh tố giác với nhau về hành vi phá rừng. Thậm chí, cá nhân nào bị xử lý vi phạm hành chính cấp xã, cuối năm bản sẽ bỏ ra khỏi đối tượng nhận tiền chi trả DVMTR. Giờ đi chặt một vài cây để làm củi, cuối năm mất mấy triệu tiền chi trả DVMTR, vậy nên, người dân đã có nhận thức hơn trong việc chặt phá rừng.

"Để tránh tình trạng lấn chiếm đất rừng, tất cả diện tích nương canh tác ven rừng của người dân được xã khoanh vùng bằng máy định vị GPS, những chỗ nào có nguy cơ xâm canh cao sẽ được khoanh lại và tạo một sơ đồ. Xã sẽ tổ chức họp bản tuyên truyền cho người dân biết diện tích nương của mình được bao nhiêu, rồi ký xác nhận vào. Sau này, xã phát hiện ra diện tích khoanh lại lớn hơn diện tích cũ, người dân sẽ bị khép vào tội lấn chiếm rừng"- Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng cho hay.

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nùng Nàng - Ảnh 2.

Các tổ chuyên trách các bản ở xã Nùng Nàng thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nùng Nàng - Ảnh 3.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Chia sẻ với PV, anh Chanh A Lùng, bản Chin Chu Chải, xã Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu) phấn khởi cho biết: Mỗi năm, gia đình tôi nhận được hơn 3 triệu từ tiền chi trả DVMTR. Số tiền này tôi dùng để mua phân bón, giống lúa, ngô phục vụ cho mùa vụ. Cuộc sống của gia đình tôi hiện nay cũng ổn định hơn trước nhiều. Rừng đem lại nguồn thu nhập cho chúng tôi nên giờ không ai phá rừng nữa.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

Năm vừa qua, số tiền DVMTR được xã Nùng Nàng chi trả 1 lần, theo Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, tuy số tiền chi trả DVMTR không nhiều nhưng nó cũng là nguồn động viên cho người dân cuối năm có số tiền nhất định từ bảo vệ rừng. Khi nhận được tiền dịch vụ bà con rất phấn khởi, từ số tiền chi trả DVMTR, người dân có tiền mua sắm đồ đạc trong nhà; cây con giống như lúa, ngô; vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nùng Nàng - Ảnh 4.

Nhà văn hóa bản Lao Tỷ Phùng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nùng Nàng - Ảnh 5.

Nhờ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân bản Lao Tỷ Phùng góp tiền để mua sắm bàn ghế, các trang thiết bị cho nhà văn hóa bản. (Ảnh: Phạm Hoài)

Bên cạnh đó, số tiền chi trả DVMTR còn được người dân tại các bản đóng góp lại để mua sắm các thiết chế nhà văn hóa bản như bàn ghế, trang thiết bị phục vụ cho nhà văn hóa. Một số bản động viên bà con dùng số tiền chi trả DVMTR để mở nền đường xây dựng nông thôn mới. Người dân vừa hiến đất vừa góp bỏ tiền ra để mở đường.

"Năm 2020, bản Phan Chu Hoa cũng mở được gần 1,5km đường từ tiền chi trả DVMTR mà người dân trong bản đóng góp. Năm 2021, bản Xì Miền Khan đã mở rộng được hơn 2km phục vụ khu sản xuất cho người dân trong bản, tiền đóng góp 100% từ tiền chi trả DVMTR" - Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng thông tin.

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nùng Nàng - Ảnh 6.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. (Ảnh: Phạm Hoài)

Anh Hạng A Kỷ, bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu) cho biết: Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, diện mạo vùng nông thôn chúng tôi thay đổi rất nhiều. Nhờ tiền chi trả DVMTR, chúng tôi đã cùng nhau đóng góp tiền để mua sắm bàn ghế, các trang thiết bị cho nhà văn hóa bản. Đồng thời, chúng tôi cũng góp tiền, góp công để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Có thể khẳng định, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân, tạo sức bật trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Nùng Nàng.


Thanh Ngân-Phạm Hoài