dd/mm/yyyy

Chàng trai Mông hoàn thành tu nghiệp sinh ở Israel, về bản trồng rau sạch kiếm 200 triệu đồng/năm

Sau khi tu nghiệp sinh ở Israel, chàng trai Mông Giàng A Dạy trở về quê hương Sơn La trồng rau sạch, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho doanh thu 200 triệu đồng/năm.

Hoàn thành khóa tu nghiệp sinh ở Israel sau gần 1 năm, trở về quê hương, chàng thanh niên dân tộc Mông Giàng A Dạy đã bắt tay ngay vào việc ươm giống trồng rau sạch áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Giàng A Dạy và vườn rau sạch áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt (Ảnh: KT)
Giàng A Dạy và vườn rau sạch áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt (Ảnh: KT)

Những luống rau xanh mướt không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, mà còn góp phần thay đổi tư duy cũng như nếp nghĩ và cách làm nông nghiệp truyền thống của bà con người Mông ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Là sinh viên có kết quả học tập tốt, lại là đảng viên, năm 2015 chàng sinh viên người Mông Giàng A Dạy được chọn là một trong 2 người đi tu nghiệp sinh tại Israel. Thời điểm đó khoản chi phí khoảng 30 triệu đồng để đi tu nghiệp sinh với Giàng A Dạy và gia đình là cả vấn đề không hề nhỏ. Mẹ anh, bà Hờ Thị Mo đã bị thuyết phục bởi ý chí xuất ngoại để học hỏi cách làm kinh tế của cậu con trai thứ hai nên dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bà cũng đã tìm cách vay mượn anh em hàng xóm để gom góp đủ số tiền cho Dạy đi tu nghiệp sinh.

Khi sang Israel, Dạy được làm việc trong một trang trại ươm cây giống của tập đoàn sản xuất rau giống lớn thứ 3 của Israel. Dạy tranh thủ thời gian học tập công nghệ tưới nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới, ươm giống hoa màu.

Giàng A Dạy cho biết: "Người Israel có tư duy làm nông nghiệp về quy mô lớn và là nông nghiệp sử dụng công nghệ cao. Để họ làm được như vậy là tư duy của họ đã thông. Sử dụng ít sức lao động, ứng dụng nhiều công nghệ và làm ra sản phẩm chất lượng cao bán với giá thành tốt".

Hiện tại khu trang trại trồng rau của Giàng A Dạy có diện tích khoảng 4 ha. (Ảnh: KT)
Hiện tại khu trang trại trồng rau của Giàng A Dạy có diện tích khoảng 4 ha. (Ảnh: KT)

Sau gần 1 năm học, làm việc tại Israel, tháng 8/2016, Giàng A Dạy về nước với những hành trang kiến thức và khoản tiền tích góp được hơn 120 triệu đồng làm vốn thực hiện ước mơ của mình. Về bản, Dạy đã mở trang trại nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ Israel trên chính mảnh vườn, thửa nương vốn chỉ trồng ngô và đỗ của gia đình.

Tận dụng nguyên liệu sẵn có Dạy làm nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trong khu vườn ươm giống rau. Dạy bắt đầu ươm cây giống trên giá thể hữu cơ, khác hẳn với phương pháp truyền thống là gieo hạt xuống đất xong mới nhổ cây giống ra trồng lại ở vườn.

Nhiều người dân sinh sống quanh vùng đã đến tận trang trại của Giàng A Dạy để học tập mô hình trồng rau sạch có áp dụng công nghệ Israel. (Ảnh: KT)
Nhiều người dân sinh sống quanh vùng đã đến tận trang trại của Giàng A Dạy để học tập mô hình trồng rau sạch có áp dụng công nghệ Israel. (Ảnh: KT)

Hiện tại khu trang trại trồng rau của anh có diện tích khoảng 4 ha. Các loại rau được trồng và chăm sóc ứng dụng theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương nên trung bình 1 năm Dạy trồng và thu được 4 vụ rau xanh, doanh thu từ trồng rau đã mang về cho Giàng A Dạy khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

"Mong muốn và dự định trong 5 năm tới của tôi là sẽ phát triển quy mô lên 5 ha và thành lập được hợp tác xã với các sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng" - Giàng A Dạy cho biết.

Theo đó, nhiều người cũng sẵn sàng bắt tay hợp tác với anh để trồng rau sạch, rau an toàn thay thế những loại cây trồng cho thu nhập bấp bênh.

Chị Hàng Thị Dợ ở bản Rừng Thông cho biết: "Khi anh Dạy bắt đầu trồng rau này thì bà con chúng tôi cảm thấy rất lạ vì có thể trồng nhiều loại rau mới so với trong bản".

Việc chuyển đổi cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tưới nước nhỏ giọt, làm nhà lưới vào sản xuất nông nghiệp của Giàng A Dạy là mô hình khởi nghiệp mới đầy triển vọng. Mô hình đã mang lại hiệu quả về kinh tế cao và là hướng đi mới cho bà con vùng cao.

Thanh Thủy