Trong vòng 1 tháng trở lại đây, ông Lê Minh Lộc, người nuôi tôm hùm tại phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã nhiều lần lặn xuống nước kiểm tra lồng tôm và phát hiện một số con tôm bị chết bất thường vì bệnh sữa.
Kích cỡ tôm chết từ 0,4 đến 0,7kg/con, tương đương với thời gian thả nuôi khoảng 1 năm. Với giá tôm hùm 1,6 triệu đồng/kg như hiện tại, ước tính mỗi con bị chết, người nuôi tôm mất khoảng 1 triệu đồng.
Hiện tượng tôm hùm bỏ ăn, chết ở vùng nuôi vịnh Xuân Đài diễn ra với tỷ lệ càng tăng trong khoảng 1 tháng nay. Người dân đã dùng mọi cách để chữa trị cho tôm nhưng đều không hiệu quả.
Ông Lê Minh Lộc, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết: Sau bão số 12 đến nay, tình trạng tôm hùm chết rải rác bắt đầu xảy ra. Nguyên nhân chết là do bệnh sữa và tôm không tự lột xác được. Nhà tôi hiện tại mỗi đợt lặn xuống kiểm tra thì có vài con chết, tôm nay đã lớn gần xuất bán nên giá trị kinh tế rất cao. Hiện gia đình đã dùng thuốc để chữa nhưng không hiệu quả.
Theo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên thì nguyên nhân gây phát sinh bệnh là do mật độ lồng nuôi còn dày; môi trường nuôi bị ô nhiễm do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản, các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép; Đây là thời điểm giao mùa, trong khoảng thời gian này, thời tiết thường xuyên chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, làm môi trường nuôi biến động, các thông số môi trường không nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi. Tổng hợp các nguyên do trên đã làm sức đề kháng tôm nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho tác nhân (Rickettsia like bacteria) phát triển, dễ dàng xâm nhập, gây bệnh cho tôm.
Ước tính tỷ lệ tôm hùm chết do bệnh sữa (tính từ đầu năm 2018 đến nay) khoảng 10% so với tổng số tôm nuôi (cá biệt có một số ít lồng tôm hùm bông, tỷ lệ chết 20 – 30%).
Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên Lê Quang Hiệp khuyến cáo các hộ nuôi tôm hùm trước khi cho tôm ăn cần kiểm tra chất lượng thức ăn, cần thiết giảm 50% lượng thức ăn để tránh dư thừa, nếu không sẽ gây ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó cần tăng sức khỏe đối với tôm hùm nuôi bằng cách sử dụng thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng và bổ sung chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất để tôm tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi và tác nhân gây bệnh.
Để tránh những rủi ro cho người nuôi tôm, Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên vừa có văn bản chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản mở lớp tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng trị bệnh tôm hùm cho người dân.
Thời gian tới, UBND tỉnh Phú Yên sẽ ban hành quy định chi tiết về quản lý, đăng ký lồng, bè nuôi thủy sản trên biển nói chung, tôm hùm nói riêng; hướng dẫn các địa phương thực hiện đăng ký cơ sở nuôi, đánh số cơ cở nuôi thủy sản bằng lồng bè; ban hành quy định hạn mức diện tích, thời gian giao hoặc cho thuê mặt nước biển để nuôi tôm hùm.