dd/mm/yyyy

Bắt heo đeo vòng, người chăn nuôi thêm khó khăn

Chi phí đeo vòng cho heo để truy xuất nguồn gốc, cách triển khai tới các trang trại chưa đồng bộ là những trở ngại khiến người chăn nuôi heo đang thua lỗ càng thêm khó khăn.

Cơ quan chức năng TP.HCM mới đây cho biết, sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện heo an toàn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia Ðề án quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Tuy nhiên chiếc vòng truy xuất nguồn gốc vẫn khiến người nuôi heo thêm nhiều gánh nặng.

Thêm chi phí, cảnh thua lỗ càng nặng nề

Cuối tháng 3/2017, giá heo hơi đã nhích lên mức 28.000 - 30.000 đồng/kg vậy mà vừa bước qua đầu tháng 4, giá heo hơi lại tuột dốc không phanh. Những ngày này ở thủ phủ nuôi heo lớn nhất nước là Ðồng Nai, thương lái chỉ mua giá heo hơi tại trại với giá trong khoảng 25.000 đồng/kg.

Việc đeo vòng truy xuất cho heo khiến người nuôi thêm khó - Ảnh: Quang Huy
Việc đeo vòng truy xuất cho heo khiến người nuôi thêm khó - Ảnh: Quang Huy

Anh Văn Quý, chủ một trại heo (Thống Nhất, Ðồng Nai) buồn rầu cho biết, với mức giá xuống thê thảm, người nuôi heo đang lỗ nặng 1 - 1,5 triệu đồng/con heo. Bên cạnh đó, hiện các thương lái đang còn ép các trang trại bán “mão”, tức là không cân từng con heo mà ước chừng trọng lượng trung bình của từng con rồi tính ra bán cả đàn. Với cách mua này thương lái được hưởng lợi về trọng lượng, người nuôi chịu thiệt. Thế nhưng không còn cách nào khác buộc phải bán.

Ðáng nói hơn, sau khi “bất lực” không thể triển khai được việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho từng trang trại thì TP. Hồ Chí Minh mới đây đã chấp thuận cho thương lái tự đeo vòng truy xuất cho các trang trại. Cụ thể, thương lái đăng ký mua vòng với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, sau đó tự đeo vòng cho heo, tuy nhiên vẫn phải cập nhật thông tin nguồn gốc heo và trang trại. Tuy nhiên, nhiều trang trại cho rằng, các thương lái đang lợi dụng việc này để ép giá người nuôi bởi các trang trại chưa được cấp vòng buộc phải bán giá thấp hơn giá thị trường.

Ông Trần Ðức Vinh Quang, chủ trại heo (Gia Kiệm, Thống Nhất, Ðồng Nai) cho biết, với mỗi lứa heo xuất chuồng, trang trại đang lỗ hơn 500 triệu đồng. Ðể kiểm soát an toàn thực phẩm, cơ quan thú y, quản lý thị trường đã thực hiện việc phòng bệnh, kiểm dịch, kiểm tra tại các chợ. Bây giờ cơ quan chức năng yêu cầu phải đeo vòng chân cho heo nếu muốn bán vào TP. Hồ Chí Minh, tiền vòng dù đã được giảm 50% thì mỗi con heo người nuôi vẫn phải chịu 3.000 đồng tiền vòng, cộng thêm chi phí đeo vòng là 10.000 đồng/con, tổng cộng tốn 13.000 đồng/con. Tính ra mỗi trang trại khoảng 500 con heo thì chi phí đeo vòng mất gần 7 triệu đồng.

Đeo vòng cho heo cần có lộ trình

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng, người chăn nuôi phải bỏ thời gian, chi phí để đeo vòng cho heo nhưng khi heo được bán thị trường sẽ có bao nhiêu người tiêu dùng thực hiện truy xuất nguồn gốc. Hiệu quả của Ðề án là mơ hồ.

Ông Nguyễn Kim Ðoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai cho biết, vòng truy xuất hiện nay là “vòng trắng” vì nhiều vòng không có thông tin, thậm chí thông tin không rõ ràng vì giao thương lái làm. Cần phải để tự chủ trang trại đăng ký kích hoạt vòng đeo, thông tin về nguồn gốc heo, thông tin về trang trại đầy đủ, chính xác, có như vậy chương trình truy xuất nguồn gốc mới đạt hiệu quả.

“Khác với con gà, nếu giá thấp hoặc thua lỗ, các trang trại có thể ngưng đàn tức thời hạn chế thua lỗ, nhưng con heo khi đã phối giống để nuôi thì mất 9 - 10 tháng mới giảm đàn được nên lượng heo tồn kho ngày càng lớn. Nếu giá càng thấp, đầu ra khó khăn thì người nuôi heo phải gánh chịu thua lỗ rất nặng nề. Vì vậy, các chi phí phát sinh cần giảm. Cần có lộ trình đeo vòng truy xuất nguồn gốc, thời điểm đầu nên hỗ trợ chi phí vòng cho người nuôi, khi đã triển khai đồng bộ mới áp dụng chính thức”, ông Ðoán cho biết thêm.    

Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai, truy xuất nguồn gốc heo là tốt, nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi. Thời điểm hiện nay, khi giá heo đang xuống thấp, người nuôi phải trả thêm tiền đeo vòng khiến chi phí chăn nuôi tăng. Hiện, người chăn nuôi trong tỉnh đang có nhiều lo lắng, phân vân với vấn đề đeo vòng cho heo. Ðể có thực phẩm sạch, an toàn, cơ quan Trung ương cần áp dụng chế tài mạnh đối với hành vi sử dụng chất cấm, đề ra giải pháp triển khai trên toàn quốc. Về lâu dài khi các địa phương tham gia vào Ðề án tạo vùng thực phẩm an toàn cho TP. Hồ Chí Minh thì phải nhận được giá bán tương xứng. Do vậy, thời gian tới để hài hòa lợi ích trong việc thực hiện Ðề án, các đơn vị tiêu thụ nên đưa chi phí đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc vào giá bán sản phẩm, thay vì để người nuôi phải tự chi trả như hiện nay.

Mới đây, đại diện Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã thừa nhận Ðề án chưa đáp ứng được kỳ vọng nên việc truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Tại hai chợ đầu mối, Ban quản lý Ðề án trước mắt phải áp dụng giải pháp thông qua thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện để làm cầu nối hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký tham gia. Khi nào đủ số hộ chăn nuôi tham gia Ðề án thì mới dừng việc cho thương lái đeo vòng nhận diện.

Quang Huy