dd/mm/yyyy

Bão vào đê vỡ, nước ngập hết cua tôm

Bão số 2 đã gây vỡ đê bao ở khu nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, thiệt hại nặng nề tới người nuôi.
Tuyến đê bao khu vực nuôi trồng thủy hải sản Xuân Hòa, xã Thạch Bằng bị vỡ.
Tuyến đê bao khu vực nuôi trồng thủy hải sản Xuân Hòa, xã Thạch Bằng bị vỡ.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại khu vực nuôi trồng thủy hải sản Xuân Hòa, xã Thạch Bằng và Châu Hà, xã Thạch Châu (đều thuộc huyện Lộc Hà) vào sáng 17.7, 1 vùng rộng lớn cả chục ha được đào ao để nuôi trồng thủy, hải sản. Hầu hết, mực nước trên trong các hồ nuôi tôm, cua của ngư dân đã rút xuống thấp. Hệ thống bạt be bờ ở rất nhiều hồ nuôi tôm bị bong, sụt; nhiều bờ hồ nuôi tôm, cua bị sụt từng đoạn dài.

Phía ngoài cùng, bờ đê bao khu vực nuôi trồng thủy hải sản Xuân Hòa (xã Thạch Bằng) bị vỡ hoàn toàn 1 doạn dài khoảng gần 10m. Nước từ biển vào lạch Cửa Sót rồi chạy thẳng vào khu vực nuôi tôm của người dân. Đê bao khu vực nuôi trồng thủy sản Châu Hà (xã Thạch Châu) cũng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Đê vỡ, nước tràn vào khiến các hồ nuôi tôm ở Thạch Châu bị hư hỏng nặng.
Đê vỡ, nước tràn vào khiến các hồ nuôi tôm ở Thạch Châu bị hư hỏng nặng.

Chỉ tay về phía bờ đê, ông Trần Hữu Dũng (SN 1962), trú ở xã Thạch Bằng kể lại: Vào khoảng 1h15 phút rạng sáng ngày hôm nay (17.7) mưa lớn kèm theo thủy triều lên khiến đê bao bị vỡ, nước từ ngoài biển tràn vô ngập hết tất cả các ao hồ. Cua, tôm cũng theo con nước mà ra biển; sáng ra nước rút khiến các hồ nuôi tôm cũng bị hư hỏng nặng.

“Nhà tôi có 2ha, trong đó 1 héc ta mới cải tạo hết 600 triệu để nuôi tôm; 1ha nuôi cua được khoảng 6 tháng, đang chuẩn bị thu hoạch. Bão vào, đê vỡ nước ngập hết, cua, tôm cũng theo con nước mà ra biển hết rồi. Ước tính, số tiền thiệt hại do mưa bão gây ra là cả trăm triệu đồng”, ông Dũng thở dài.

Nằm ngay bên cạnh, hộ ông Trương Huy Long (SN 1960), trú ở thôn Châu Hà, xã Thạch Châu cũng chung cảnh ngộ. “Gia đình tôi có 1ha nuôi tôm, 1ha nuôi cua được đầu tư với số tiền gần 400 triệu đồng. Hiện thiệt hại vẫn chưa tính được cụ thể nhưng con số sẽ không hề nhỏ. Cũng may là lúc đó, mưa ngừng kịp, thủy triều rút xuống không chỉ kèo dài 30 phút nữa thì nguy cơ đê vỡ, ất cả sẽ bị cuốn ra biển”, ông Long buồn rầu cho biết.

Theo thống kê nhanh của UBND huyện Lộc Hà: Tính đến 10 giờ ngày 17.7, toàn huyện thiệt hại sơ bộ do bão số 2 gây ra là 92,781 tỉ đồng. Nhà ở hư hại là 2.221 căn với thiệt hại 9,740 tỉ đồng; giáo dục thiệt hại 3,360 tỉ đồng; thiệt hại liên quan đến lĩnh vực văn hóa 500 triệu đồng; thiệt hại về nông – lâm – ngư nghiệp 17,167 tỉ đồng; thiệt hại về giao thông - thủy lợi 10,52 tỉ đồng; thiệt hại về thủy sản trên 1 tỉ đồng; thiệt hại về công nghiệp – thương mại 3,981 tỉ đồng...

Chợ xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân bị gió bão làm hư hỏng gần như hoàn toàn.
Chợ xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân bị gió bão làm hư hỏng gần như hoàn toàn.

Tại các địa phương khác, bão số 2 không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng nặng nề tới nhà cửa, tài sản của người dân. Đặc biệt, có 4 tàu cá bị sóng đánh chìm trong khu vực tránh, trú bão (3 tàu tại Cảng Sơn Dương - Hà Tĩnh, 1 tàu tại Cảng Hòn La - Quảng Bình).

Thị xã Kỳ Anh, đến nay, mưa bão đã làm đổ gãy gần 100ha diện tích keo tràm nguyên liệu; hư hại 3ha diện tích dưa hấu tại xã Kỳ Hoa; ngập hơn 100 hồ nuôi tôm của bà con phường Kỳ Trinh; tại huyện Kỳ Anh, bão số 2 làm đổ gãy nhiều cây cối, một số nhà dân bị tốc mái; cầu Cao Su ở xã Kỳ Sơn bị nước cuốn trôi; cống tưới đập Trà Rường ở xã Kỳ Lạc và đoạn đường tránh Quốc lộ 1A đoan đi quan xã Kỳ Văn bị sạt nhẹ.

Tại huyện Thạch Hà, 600ha lúa vụ hè thu trên địa bàn bị ngập; 30 cột điện viễn thông tại các xã Thạch Vĩnh, Thạch Ngọc, Việt Xuyên… bị đổ gãy; 2km đường giao thông bị ngập cục bộ.

Sỹ Hòa