dd/mm/yyyy

Ý nghĩa tấm thẻ bảo hiểm y tế trên tay người bệnh

Với tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên tay, nhiều người bệnh đã thoát được nỗi lo viện phí khi ốm đau, bệnh tật… phải chữa trị trong thời gian dài, vì đã có quỹ bảo hiểm hỗ trợ chi trả.

Có mặt tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La (tỉnh Sơn La), một trong những bệnh viện có lượng bệnh nhân khám, điều trị bệnh bằng BHYT khá đông. Chúng tôi cảm nhận rõ sự yên tâm của các bệnh nhân trước sự chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sỹ. Bệnh nhân không còn nỗi lo về chi phí vì đã có BHYT.

 BHYT giúp người dân bớt gánh nặng tài chính khi điều trị tại các cơ sở y tế.

Bà Hà Thị Ía, 61 tuổi, người dân tộc Mường, ở bản Nà Sàng (xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ) bị mắc chứng bệnh thoái hóa xương cột sống gần 20 năm nay, cho biết: Bệnh tình khiến tôi và gia đình luôn lo lắng, mỗi khi “trái gió trở trời” bệnh tái phát toàn thân đau ê ẩm, nhức mỏi, rất khó chịu. Trước đây, khi chưa có BHYT tôi rất lo lắng, có những lúc chẳng dám đến bệnh viện vì không có tiền. Thu nhập chính của gia đình từ nương rẫy, ít ỏi, mỗi lần đi viện phải đi vay, mượn tiền hàng xóm mỗi nhà một ít mới đủ. Đến mùa vụ bán được bắp ngô, củ sắn… mới trả được nợ. Nhưng giờ đã khác, từ khi có BHYT tôi không còn lo lắng về tiền nong nữa, mọi chi phí ăn, ở, đi lại, thuốc men… tại bệnh viện đều được bảo hiểm chi trả hoàn toàn. Hơn 10 ngày chữa bệnh, được các bác sỹ tận tình chữa trị, giờ tôi thấy bệnh tình giờ đỡ hơn nhiều.

Còn bà Lò Thị Khu, dân tộc Khơ Mú, bản Nậm Pù A (xã Huổi Một, huyện Sông Mã), cho hay: Cách đây 2 – 3 năm, tôi đột nhiên mắc chứng bệnh đau gáy, đau đầu, ù tai kéo dài, đau nhức đến không ăn không ngủ được. Đến bệnh viện bác sỹ bảo bệnh của tôi phải chữa trị dài ngày mới khỏi. Lúc đầu tôi lo lắm vì không biết lấy tiền đâu ra để đi khám bệnh, hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm nương rẫy thì chỉ đủ ăn. May mắn khi đó, tôi được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí vì thuộc diện hộ nghèo, nên mọi chi phí thuốc men, ăn, ngủ, đi lại… đều được bảo hiểm chi trả 100%. Nếu không có BHYT thì mọi chi phí chữa bệnh gia đình sẽ  tự trả hết.

 Có thẻ BHYT trong tay khi đến các có sở y tế khám, chữa bệnh, người bệnh sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: Được chi trả viện phí, tiền ăn, ở, đi lại... giúp người bệnh bớt nỗi lo gánh nặng tài chính.

Trao đổi với bà Cầm Thị Hương, Giám đốc bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La, được biết: BHYT là một trong những phao cứu sinh giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh, bởi nếu người bệnh không có BHYT sẽ rất tốn kém, vì hiện nay giá dịch vụ y tế, khám chữa bệnh rất cao. Hiện bệnh viện có 124 cán bộ, với 17 phòng khoa. Trung bình mỗi ngày bệnh viện điều trị 300 bệnh nhân nằm nội trú. Tuy nhiên phần lớn các bệnh nhân tại bệnh viện đều có BHYT nên được hưởng các chính sách ưu đãi của bảo hiểm theo quy định. Ngoài ra, trường hợp các bệnh nhân đến khám chữa bệnh không có bảo hiểm hoặc chưa tham gia, bệnh viện đều tuyên truyền cho bệnh nhân hiểu được vai trò, ý nghĩa của BHYT, từ đó tham gia để được hưởng chính sách hỗ trợ của bảo hiểm khi ốm đau.

Tham gia BHYT tự nguyện nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính khi ốm đau, bệnh tật, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, các gia đình gặp điều kiện kinh tế khó khăn. Bởi BHYT là một trong những chính sách quan trong trọng hệ thống an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Có trong tay tấm thẻ BHYT, người sử dụng có thể yên tâm nếu gặp rủi ro, ốm đau, chuyện không may xảy đến khi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Chi phí điều trị khi đó sẽ giảm đi rất nhiều.

 BHYT là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Người tham gia BHYT đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh đều được hưởng chính sách ưu đãi quỹ bảo hiểm hỗ trợ.

Không những thế, tham gia BHYT còn là sự chia sẻ gánh nặng về tài chính với cộng đồng cho người bệnh. Khi bạn khỏe mạnh, số tiền bạn đóng bảo hiểm sẽ được chi trả cho những người bệnh khác. Và khi bản thân ốm đau, lúc đó chính bạn sẽ hưởng lợi từ sự đóng góp của cộng đồng. Ngoài tính nhân văn và an sinh xã hội, BHYT còn là nguồn tài chính giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. 

 Người dân khi tham gia BHYT theo hộ gia đình có thể đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Hiện trung bình giá mỗi tấm thẻ BHYT tự nguyện là 650.000 đồng/năm. Đối với mức đóng BHYT hộ gia đình, Nhà nước có chính sách giảm trừ mức đóng BHYT khi các thành viên trong gia đình cùng tham gia trong một năm. Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (1.390.000 x 4,5% = 625.500 đồng); người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất (625.500 x 70% = 437.850 đồng); người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất (625.500 x 60% = 375.300 đồng); người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất (625.500 x 50% = 312.750 đồng); người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (625.500 x 40% = 250.200 đồng).

 

Quốc Định