dd/mm/yyyy

Xuất khẩu thủy sản tăng vọt, cuối năm lo thiếu nguyên liệu

Xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng năm 2017 ước đạt 6,73 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2016. Từ nay tới cuối năm ngành thủy sản sẽ đối mặt với khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao cùng với cảnh báo từ thị trường EU.

Khai thác thủy sản được mùa. Ảnh minh họa

Xuất khẩu thủy sản tăng vọt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10.2017 ước đạt 733 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 10 tháng qua ước đạt 6,73 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Tổng cục Thủy sản, việc EU quyết định rút thẻ vàng sẽ có những tác động nhất định như: các lô hàng bị tăng tuần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam (có thể lên đến 100%), dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (65,8%), Hà Lan (42,9%), Anh (29,7%)...

Cũng trong tháng 10.2017, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản đạt 103 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 10 tháng qua đạt 1,14 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Mới đây, EU đã quyết định rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển; không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải sản vẫn được diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, việc này cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, đặc biệt là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU hoặc Mỹ và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU.

Việt Nam cần tăng cường quản lý hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Ảnh minh họa

Nỗi lo khan hiếm nguyên liệu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung yếu, hiện dao động từ 25.000 - 28.000 đồng/kg tùy theo chất lượng cá và phương thức thanh toán.

Cụ thể, tại An Giang cá tra nguyên liệu trong size (trọng lượng 0,8 - 0,9 kg/con), thịt trắng giá từ 26.000 - 27.500 đồng/kg, tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại Vĩnh Long, giá trung bình cá tra thịt trắng trong size đạt mức cao nhất là 28.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg so với tháng trước.

Nhu cầu thu mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu từ các doanh nghiệp tăng. Ảnh minh họa

Nguyên nhân giá cá tra tăng mạnh trong thời gian qua là nhu cầu thu mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu từ các doanh nghiệp tăng phục vụ các đơn hàng cuối năm, trong khi nguồn cung hạn chế.

Thị trường tôm nguyên liệu trong tháng 10.2017 vẫn duy trì ở mức cao. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg giữ ở mức 235.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg giữ mức 190.000 đồng/kg; giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 con/kg ổn định ở mức 134.000 đồng/kg; loại 60 con/kg là 125.000 đồng/kg, riêng cỡ 100 con/kg tăng 6.000 đồng/kg lên mức 110.000 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá tôm thẻ chân trắng tăng nhẹ so với tháng trước khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg, các cỡ 40, 60, 80, 100 con/kg lần lượt ở mức 153.000 đồng/kg, 132.000 đồng/kg, 127.000 đồng/kg, 105.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá tôm nguyên liệu thời gian vừa qua tăng do nguồn cung yếu, trong khi các doanh nghiệp lại đẩy mạnh thu mua phục vụ xuất khẩu cuối năm.

B.C