dd/mm/yyyy

Vỡ mộng vì cá tra: Ngân hàng phải là "nhạc trưởng"

“Cùng với việc xác định lại vai trò, vị trí của các thành viên tham gia và phải hài hòa lợi ích của các bên, ngân hàng phải là người “nhạc trưởng” đứng ra xử lý món nợ cho nông dân nếu các chuỗi liên kết sản xuất cá tra đổ vỡ”. Ông Nguyễn Việt Thắng (ảnh) – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam trao đổi về vai trò của các thành viên tham gia trong chuỗi liên kết cá tra ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam

Ông Thắng cho biết, trên thực tế, ngành nông nghiệp có rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành giống cây trồng, chính sách hỗ trợ vay vốn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến… tuy nhiên, chúng ta lại chưa có một chính sách cụ thể nào cho việc xây dựng chuỗi liên kết cá tra. Dẫu vậy, lợi thế của cá tra là đã được Chính phủ xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Việt Nam.

Nông dân quận Ô Môn, TP.Cần Thơ thu hoạch cá tra. Ảnh: B.M

Theo tìm hiểu của ông, đến nay đã có mô hình liên kết cá tra nào tốt hay thành công?

- Riêng về chuỗi liên kết sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra, đây là xu hướng chung của các sản phẩm nông nghiệp. Ở mỗi thời kỳ, mỗi địa phương, các chuỗi được xây dựng, thực hiện theo mỗi kiểu khác nhau và chưa thực sự có được một mô hình “chuẩn” nào cho chuỗi liên kết cá tra.

Ở ĐBSCL hiện đã và xây dựng được một số chuỗi liên kết từ nông dân tới doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, tuy nhiên, một số mô hình “đổ vỡ” khiến chuỗi liên kết thất bại, thậm chí dẫn tới tình trạng kiện tụng lẫn nhau, như mô hình liên kết của Công ty Thuận An ở An Giang.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các bên trong chuỗi liên kết cá tra đang triển khai hiện nay?

- Khi xây dựng một chuỗi liên kết, cá tra hay bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào khác cũng vậy, phải có đủ các thành phần từ người sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và ngân hàng. Trong đó, hiện tại doanh nghiệp được xem là nhân tố nòng cốt, là “chủ xị” của chuỗi liên kết. Doanh nghiệp có xuất khẩu, tiêu thụ được sản phẩm thì chuỗi liên kết mới mong tồn tại và phát triển. Còn về phần ngân hàng, thành viên này cũng chỉ mới tham gia cho vay vốn cho doanh nghiệp và hỗ trợ nông dân mua thức ăn, giống, vật tư nông nghiệp.

Mô hình này thể hiện rất rõ trong chuỗi liên kết của Công ty Thuận An với nông dân và ngân hàng ở An Giang. Tuy nhiên, khi “mắt xích” quan trọng là doanh nghiệp có vấn đề, dẫn đến việc “đổ vỡ” của cả chuỗi.

Trong mô hình này, ngân hàng khi tham gia chuỗi cũng muốn “nắm người có tóc” là doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi, để các chuỗi liên kết này thật sự hiệu quả, ngân hàng phải thể hiện vai trò của một “nhạc trưởng”.

Trên thực tế, người hiểu cặn kẽ tình hình doanh nghiệp, biết từng đồng vốn đi vay, từng đồng lãi phải trả, thực tế sản xuất, kinh doanh… của doanh nghiệp chính là ngân hàng. Do đó, ngân hàng phải là “người chỉ huy” chứ không phải là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu như hiện nay.

Nông dân TP.Cần Thơ thu hoạch cá tra. Ảnh: Đặng Ngọc

Nghĩa là, phải xác định lại vai trò của các bên trong chuỗi liên kết hiện nay?

-Đúng vậy! Trước đây, các bên tham gia chuỗi thường xem doanh nghiệp là một “ông lớn”, là người được quyền nhận một phần lớn tiền vay ngân hàng của nông dân cũng như giữ tiền mua sản phẩm của bà con. Điều này rất rủi ro!

Nếu xác định lại được vai trò của các bên, đưa ngân hàng lên thành “nhạc trưởng” thì khi doanh nghiệp có trục trặc nào về sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh hay có dấu hiệu phạm tội, quỵt nợ các thành viên khác, ngân hàng phải là người phát hiện đầu tiên.

Đồng thời, nếu để xảy ra tình trạng “chuyện đã rồi” như ở Công ty Thuận An, ngân hàng phải là người chịu trách thanh toán nợ vay của nông dân chớ không thể quay ngược lại, đổ gánh nợ lên vai nông dân. Hiện nay, nông dân là thành phần vừa bị yếu thế, vừa phải “chịu oan”, chịu thiệt rất nhiều trong các chuỗi liên kết.

Nông dân ĐBSCL đổ thức ăn cho cá tra trong ao nuôi. Ảnh: I.T

Vậy còn nông dân, theo ông, phải làm gì để nâng cao vị trí, vai trò của nông dân trong chuỗi liên kết cá tra ở ĐBSCL hiện nay?

Các chuỗi liên kết hiện chưa hài hòa được lợi ích từng thành viên tham gia. Do đó, phải xác định lại vai trò của các bên là bình đẳng như nhau, được hưởng lợi như nhau và ngân hàng phải là người “nhạc trưởng”.

Ông Nguyễn Việt Thắng  

-Các chuỗi liên kết cá tra ở ĐBSCL hiện nay chưa được hoàn thiện. Đây chỉ là những mô hình được các địa phương chọn lựa ra để thực hiện trong quá trình tìm kiếm một hình thức liên kết hoàn chỉnh. Do đó, việc điều chỉnh vai trò, vị trí các bên tham gia là điều cần thiết.

Theo tôi, để chuỗi liên kết cá tra phát triển bền vững, phải hài hòa được lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi, tức là, các bên phải bình đẳng với nhau, được hưởng lợi ích ngang nhau. Mà vấn đề này hiện nay chưa thể hiện được trong các chuỗi liên kết. Phải làm sao để nông dân như một chủ thể bình đẳng, liên kết sản xuất với ngân hàng và doanh nghiệp chứ không phải đi xin xỏ, nhờ vả tìm vốn đầu tư rồi đi năn nỉ doanh nghiệp mua sản phẩm…

Ngoài ra, với vai trò là “nhạc trưởng”, ngân hàng trong quá trình xây dựng chuỗi liên kết phải chọn lọc, thẩm định “sức khỏe” của từng thành viên tham gia, doanh nghiệp thì phải có sức cạnh tranh tốt, thị trường tiêu thụ khá, sức khỏe tài chính đảm bảo... Nông dân cũng phải tự “tôi luyện” để sản xuất có thể cạnh tranh được, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Và cũng phải xác định rằng, trong chuỗi liên kết này, nếu không có sản xuất của nông dân thì thành phần còn lại, là doanh nghiệp và ngân hàng, cũng không thể tồn tại, phát triển được!

Xin cảm ơn ông!

Thuận Hải