Do chưa có thuốc đặc trị, virus lan từ vườn này sang vườn khác khiến nông dân bị thiệt hại nặng.
Khu vực Đất Mới, Phước Thành, Đa Thiện… thuộc địa bàn Phường 7, Phường 8, thành phố Đà Lạt là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của căn bệnh lạ do virus gây ra trên cây rau. Loại bệnh này phát triển mạnh nhất trên những loại rau ăn lá, rau ngắn ngày như xà lách cô rôn, xà lách Mỹ… trồng ngoài trời rất dễ bị nhiễm bệnh, kể cả cây con và cây trưởng thành.
Khi nhiễm bệnh, cây xuất hiện các triệu chứng như héo úa, vàng lá, không thể phát triển và chết dần. Anh Nguyễn Quốc Minh Ngữ, nông dân ở đường Thánh Mẫu (Phường 7) cho biết, gia đình anh có 1,5 ha chuyên trồng rau xà lách và hầu như đợt gieo trồng nào cũng bị nhiễm bệnh này.
Mặc dù đã thử dùng nhiều loại thuốc phun xịt nhưng căn bệnh không giảm khiến sản lượng thu hoạch rau giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 1 tấn rau/tháng (bình thường 6 – 8 tấn rau/tháng).
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung cấp rau xà lách, cô rôn đang trở nên khan hiếm đã đẩy giá các loại rau này lên cao hơn nhiều so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng. Hiện giá rau cô rôn được người dân bán hợp đồng với các đầu mối khoảng 30.000 đồng/kg, xà lách Mỹ dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cũng không có rau để bán.
Bà Bùi Thị Bình, tổ 1 khu Đất Mới (Phường 7) cho biết, sau Tết gia đình bà xuống giống được 38.000 gốc xà lách, dù thương lái đã đặt trước 32 triệu đồng để mua nguyên vườn rau nhưng giờ cây bị nhiễm bệnh, bà ngậm ngùi trả lại tiền và cày bỏ vườn để xuống loạt giống mới.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, căn bệnh trên do loại virus đốm héo cà chua TSWV gây ra, xuất hiện trên cả cây rau xà lách và hoa cúc. Thống kê ban đầu có hơn 70 ha hoa cúc, 10 ha rau xà lách trên địa bàn thành phố Đà Lạt bị loại virus lạ tấn công.
Bà Vũ Thị Thúy, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, do chưa có thuốc đặc trị bệnh lạ do virus, nên ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân khi phát hiện vườn cây nhiễm bệnh phải nhổ bỏ để ngăn ngừa lây lan.
Đồng thời, người dân cần luân canh cây trồng đối với diện tích đất đã xuất hiện dịch bệnh lạ do virus gây ra trên những loại rau khác nhằm triệt tiêu các mầm bệnh còn lưu trong đất trồng.