Nặng lo tiêu chí thu nhập
Theo thống kê sơ bộ, đến nay xã Mỹ Hòa và xã Thuận An (TX Bình Minh) đã xây dựng đạt 12/19 tiêu chí NTM nâng cao; xã Mỹ Phước (Mang Thít) đạt 11/19 tiêu chí. Còn lại một số tiêu chí chưa đánh giá được, cũng có những tiêu chí chỉ còn “vướng” 1- 2 chỉ tiêu nhỏ.
Chẳng hạn, về tiêu chí y tế quy định về tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên dân số theo niêm giám thống kê phải đạt 90% trở lên thì xã Mỹ Hòa và Thuận An đã tiệm cận quy định- đạt trên 89%, xã Mỹ Phước thì đạt trên 87,4%...
Song, vấn đề nhiều địa phương băn khoăn hiện nay chính là tiêu chí thu nhập. Đối với xã NTM nâng cao thì thu nhập bình quân đầu người phải gấp 1,2 lần trở lên so thời điểm công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Năm 2017, xã Thuận An về đích NTM với thu nhập bình quân đầu người 56,97 triệu đồng/năm, được xem là “quán quân”- cao nhất tỉnh. Tuy nhiên, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ còn 52,3 triệu đồng/năm chủ yếu là do giá nông sản sụt giảm.
Để đạt NTM nâng cao thì thu nhập bình quân đầu người phải đạt gần 68,4 triệu đồng/năm (cao gấp 1,2 lần so thời điểm công nhận). Như vậy, xã phải phấn đấu tăng thêm thu nhập cho mỗi người dân 16,1 triệu đồng. Đây là “bài toán” đặt ra đối với địa phương.
Trước mắt, địa phương đang đề nghị Chi cục Thống kê đánh giá lại, đồng thời đề nghị tính thu nhập bình quân đầu người theo mốc quy định đối với xã NTM là 50 triệu đồng/người/năm (chuẩn NTM năm 2020). Song, nếu lấy con số 50 triệu đồng/người/năm nhân cho 1,2 lần thì xã phải đạt 60 triệu đồng/người/năm, tức là xã cần phấn đấu tăng thêm thu nhập cho mỗi người dân là 7,7 triệu đồng- cũng là vấn đề rất khó khăn.
Nhiều tiêu chí khó đạt, khó giữ vững
Trung tá Nguyễn Đức Toàn- Trưởng Công an xã Mỹ Hòa- cho biết thời gian qua tình hình tội phạm có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy. Năm 2011, xã có 6 người nghiện, đến tháng 5/2019 xã có đến 29 người nghiện. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự và rất khó phòng ngừa.
Qua phúc tra các xã NTM, TX Bình Minh có 2 xã (Mỹ Hòa và Thuận An) không giữ vững tiêu chí 19.2 về “xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên” do để xảy ra 4 vụ tội phạm.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp kẻ gây án và người bị hại đều không phải là người địa phương (như tai nạn giao thông, cướp giật…) nhưng do xảy ra trên địa bàn của xã nào thì xã đó bị “rớt” tiêu chí 19.2.
Song, khi xảy ra trọng án trên địa bàn của ấp thì ấp đó không giữ vững ấp văn hóa, đồng nghĩa rớt luôn tiêu chí 16 về văn hóa. Trong khi theo quy định đối với xã NTM nâng cao thì tỷ lệ ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa và giữ vững theo quy định là 3 năm liên tục đạt 100% và 5 năm liên tục đạt 70% trở lên. Như vậy, nếu ấp nào có xảy ra trọng án thì phải phấn đấu lại từ đầu để đạt 3 năm liên tục ấp văn hóa rồi mới xét NTM nâng cao.
“Để đạt và giữ vững tiêu chí văn hóa theo đúng chuẩn NTM nâng cao là cả sự phấn đấu dài hơi”- bà Vương Thị Thu Hương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh- cho rằng: Cần có sự linh hoạt trong đánh giá các tiêu chí, nhất là trường hợp nếu xảy ra án mà kẻ gây án và người bị hại không phải công dân trên địa bàn xã thì cần xem xét trường hợp cá biệt.
Theo ông Lê Văn Tư- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, để đưa các xã về đích NTM là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, đối với các xã về đích giai đoạn I (2011- 2015) khi bước sang giai đoạn II (2016- 2020) thì một số tiêu chí đạt trước đây đã có sự “lỗi thời”, khi xây NTM nâng cao lại phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn.
Về cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông nông thôn hầu hết các tuyến đường đan, đường liên xóm, chủ yếu được xây theo bờ thủy lợi. Trước đây, mặt đường chỉ 1,2- 1,6m, nay mặt đường phải từ 3m trở lên, nền đường từ 4m trở lên. Trong khi đó, sau khi xây đường xong, địa phương đã vận động người dân làm hàng rào kiên cố, giờ muốn mở rộng ra và yêu cầu người dân phá bỏ, di dời là rất khó.
Về tỷ lệ hộ nghèo, giai đoạn I quy định đối với khu vực ĐBSCL là 7%, giai đoạn II còn 4% trở xuống, xây NTM nâng cao là 2% trở xuống. Về tiêu chí cơ cấu lao động (nay là lao động có việc làm), giai đoạn I quy định tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp là 35%, giai đoạn II quy định tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động từ 90% trở lên, còn xây NTM nâng cao tỷ lệ này tăng lên 98% “đây là con số không dễ để thực hiện”- ông Lê Văn Tư nhận định..
Đồng chí Nguyễn Hiếu Nghĩa- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Minh: Về tiêu chí thu nhập, thị xã đã kiến nghị xem xét lại. Vì nếu tính GDP bình quân của cả nước thì mỗi năm tăng khoảng 7% hoặc tăng nhiều lắm là 10%. Nếu tính thu nhập bình quân đầu người tại xã NTM nâng cao phải gấp 1,2 lần so thời điểm công nhận thì tăng tương đương 20%. Bên cạnh, để nâng cao thu nhập người dân, Thị ủy Bình Minh cũng có chủ trương vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, ưu tiên phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp…