Ông Đỗ Thanh Tuấn- Giám đốc đối ngoại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã cho biết như vậy tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây về kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của Vinamilk.
Trang trại bò sữa vinamilk Đà Lạt có tổng đàn bò sữa 1.600 con, tỷ lệ cho thu hoạch sữa đạt 75%, mỗi tháng thu hơn 600 tấn sữa tươi đảm bảo chất lượng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Vinamilk sở hữu đàn bò 130.000 con
Theo thông báo, kết quả kinh doanh của Vinamilk cho thấy, trong năm 2018, công ty này đã đạt doanh thu ở mức cao kỷ lục là 52.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD); trong khi đó giá trị vốn hóa trên thị trường của Vinamilk vào thời điểm này đạt tới 208.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD), còn tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của Vinamilk đã tăng tới hơn 8,3%. Ông Đỗ Thanh Tuấn cho biết: "Trong năm 2018, Vinamilk đã xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa sang 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt 200 triệu USD, đây cũng là con số cao kỷ lục".
Trong khi đó, về khâu sản xuất, theo thống kê, tổng công suất sản xuất sữa năm 2018 của Vinamilk đã 1,2 tỷ lít sữa. Hiện Vinamilk đang sở hữu 12 trang trại bò sữa lớn với tổng số đàn bò đạt 130.000 con, sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt 950-1.000 tấn/ngày, chiếm 40% sản lượng sữa tươi nguyên liệu cả nước. Theo ông Tuấn, trên thực tế lượng sữa tươi nguyên liệu trên còn dư thừa, nên ngoài sản xuất sữa, Vinmilk còn dùng để sản xuất sữa chua, phô mai, bánh kem...
Tuy nhiên, điểm nổi bật và cũng là chiến lược tới đây của Vinamilk, đó là phát triển đàn bò sữa đạt tiêu chuẩn hữu cơ (organic). "Hiện Vinamilk đang có 2 trang trại bò sữa organic đạt tiêu chuẩn châu Âu ở Đà Lạt và Lào. Chúng tôi đang có 4.000 con bò sữa organic được nuôi trên 4.000ha và tới đây, chúng tôi sẽ tập trung phát triển và mở rộng đàn bò sữa organic tại Lào, lên tổng cộng 24.000 con bò sữa organic trên diện tích từ 15.000-20.000ha và hoàn thành vào cuối năm 2020. Tham vọng của Vinamilk là, đến giai đoạn 2 sẽ đạt tổng cộng 100.000 con bò sữa organic để không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước, mà còn xuất khẩu sản phẩm sữa organic"- ông Tuấn thông tin.
Đàn bò sữa hữu cơ của Vinamilk đang được nuôi tại Đà Lạt.
Chiến lược kinh doanh của Vinamilk trong tương lai là M&A
Trên thực tế, theo ông Tuấn, Vinamilk đã lọt vào top 50 công ty sữa hàng đầu thế giới và áp lực duy trì tăng trưởng của công ty đang rất nặng nề do tỷ trọng tuyệt đối trên tổng doanh thu của công ty đạt mức rất cao (năm 2018 đạt tổng doanh thu 52.000 tỷ đồng). Do đó, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng luôn ở ngưỡng xấp xỉ hoặc bằng 2 con số là không hề đơn giản.
"Để giải quyết bài toán này, Vinamilk đã đề ra chiến lược phát triển mới đó là mua bán và sáp nhập (M&A). Với nhà máy tại Mỹ, thời điểm mua lại công ty này đang rơi vào thua lỗ và hiện Vinamilk đã làm cho nó có lãi với mức lợi nhuận đạt 1 triệu USD/năm, hiện nhà máy đã chạy hết công suất và 70% sản phẩm nhà máy cung cấp ra là sữa học đường. Tới đây, Vinamilk sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy này để phục vụ cho cộng đồng người Việt tại California, Mỹ. Trong khi đó, nhà máy tại Campuchia năm 2018 đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục, cao nhất trong số các nhà máy của Vinamilk, đạt 160%. Riêng nhà máy tại Newzealand, Vinamilk đang thuyết phục cổ đông cũ bán bớt cổ phần để Vinamilk chủ động về nguồn nguyên liệu sữa"- ông Tuấn trình bày.
Đặc biệt, ông Tuấn tiết lộ, tới đây Vinamilk sẽ tiếp tục xu hướng M&A một số trang trại, nhà máy sản xuất sữa tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, thông tin cụ thể Vinamilk sẽ mua những nhà máy nào chưa được ông Tuấn thông tin chi tiết.
Mặc dù vậy, xu hướng M&A đã được Vinamilk thể hiện cụ thể qua việc mua lại 48% cổ phần từ Công ty cổ phần GTNFoods, đơn vị đang gián tiếp nắm giữ 51% cổ phần tại Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Do đó, trên thực tế hiện Vinamilk đã sở hữu tới 48% cổ phần của Sữa Mộc Châu. Theo tiết lộ, tới đây, Vinamilk đang muốn mua thêm cổ phần của Sữa Mộc Châu để chiếm cổ phần chi phối ít nhất là 51%.
Ông Tuấn cho biết: "Mục đích của Vinamilk khi mua lại cổ phần và tới sẽ chiếm cổ phần chi phối của Sữa Mộc Châu là để giúp làm thương hiệu này tốt hơn, bởi với tiềm lực và khả năng maketting mạnh, Vinamilk sẽ làm cho thương hiệu của Mộc Châu phát triển mạnh hơn, nhất là thâm nhập vào khu vực miền Trung và miền Nam- nơi hiện Mộc Châu vần chưa vươn tới được".
Theo báo cáo của Hiệp hội sữa Việt Nam, trong năm 2018, doanh thu ngành sữa ước đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Trong đó, riêng Vinamilk, doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa đạt 55.000 tỷ đồng, chiếm 50,5% tổng doanh thu toàn ngành.
Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), mô hình liên kết chăn nuôi bò sữa theo chuỗi của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) hiện có 12 trang trại bò sữa quy mô lớn và hiện đại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Tây Ninh (miền Bắc 1 trại, miền Trung 10 trại và miền Nam 1 trại) và 1 trang trại ở tỉnh Xiêng Khoảng của Lào.