dd/mm/yyyy

Vì sao vườn hoa ở Hồ Gươm bị san phẳng, ngập rác sau Tết Dương lịch?

Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, sau lễ đón năm mới, nhiều khu vui chơi công cộng, hay ở phố đi bộ Hồ Gươm cùng trong tình trạng: Người về, rác ở lại.

Tối 31.12.2017, hàng vạn người chen chân đến khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) để dự lễ hội đếm ngược mừng năm mới. Sau khoảnh khắc hân hoan, dòng người “vật vã” về nhà trong cảnh tắc đường, còn rác ở lại, tràn ngập các tuyến phố. Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường lại căng mình dọn rác cho tới gần sáng.

Rác tràn ngập phố đi bộ Hồ Gươm sau lễ đón năm mới 2018. Ảnh: Tiền Phong
Rác tràn ngập phố đi bộ Hồ Gươm sau lễ đón năm mới 2018. Ảnh: Tiền Phong
 Sau màn đếm ngược đón chào năm mới 2018, dòng người nườm nượp ra về, còn rác ở lại. Ảnh: Tiền Phong

Hình ảnh trên đã trở nên quen thuộc, được đăng tải trên các phương tiện truyền thông sau mỗi dịp nghỉ lễ, tết. Lên án rất nhiều, nhưng năm nào cũng vậy: Sau những hình ảnh vui chơi của người dân là một bi kịch về môi trường ở những khu du lịch. Rác ngập ngụa khắp nơi.

Từ thời cắp sách đến trường, ai cũng được giáo dục bài học về bảo vệ môi trường sống, hành tinh xanh bằng hành động nhỏ nhất là vứt rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, hiện tượng này liên tục tái diễn.

Năm nay, nhiều người còn sửng sốt, bàng hoàng… khi nhìn thấy hình ảnh vườn hoa đẹp như tranh ở Hồ Gươm bị "san phẳng" chỉ sau đêm giao thừa.

Vườn hoa quanh Hồ Gươm bị dòng người giẫm nát. Ảnh: Vietnamnet
Vườn hoa quanh Hồ Gươm bị dòng người giẫm nát. Ảnh: Vietnamnet

Là người tham gia sự kiện đếm ngược đón năm mới 2018 tại Hồ Gươm, anh Nguyễn Văn Thắng (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày đầu tiên đi làm, đến cơ quan thấy mọi người nói chuyện về rác. Có người dùng những từ rất nặng nề để đánh giá ý thức của những người tham gia, vì giẫm lên vườn hoa, vứt rác bừa bãi.

Tôi thấy một thực tế, dù người dân có ý thức đi chăng nữa, cũng không biết vứt rác ở đâu. Vì những sự kiện lớn tổ chức ở Hồ Gươm đều thu hút lượng lớn người tham gia. Trong khi đó thùng rác không đủ để chứa lượng rác rất lớn, người dân dù gom rác, mong tìm chỗ để đúng quy định, thì với tình trạng quá tải, dòng người xô đẩy nhau, muốn tìm cũng khó. Người dân đành phải để vào lề đường thôi, chứ biết làm sao”.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, ĐH Sư Phạm TP.HCM lại cho rằng, không thể đổ lỗi cho ban tổ chức, hay điều kiện khách quan. Bởi mọi thứ phụ thuộc khá nhiều vào ý thức của mỗi người.

Ông cũng cho rằng, người dân đang có tâm lý "cha chung không ai khóc", nên sau mỗi dịp nghỉ lễ, vườn hoa bị giẫm nát, rác lại vương vãi khắp phố phường. Để ngăn chặn tình trạng này, không có cách nào khác phải xử phạt thật nghiêm, để có tính răn đe.

Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có nêu rõ: Người dân có hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Bích Hà