Chung tín ngưỡng thờ Mẹ
Châu Đốc cách TP.HCM khoảng 250km, là một thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, nằm bên ngã ba của sông Châu Đốc và sông Hậu sát biên giới Việt Nam với Campuchia.
Nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Đỗ Đình Bằng cho biết: “Do ảnh hưởng Phật giáo, Lão giáo cùng với các tín ngưỡng thờ đạo Mẫu (tức thờ Mẹ) nên Bà Chúa Xứ trở thành một dạng như Phật Bà Quan Âm (đối với người Việt), Bà Mã Hậu hay Thiên Hậu Nương Nương (đối với người Hoa). Bà được tin tưởng đến độ có rất nhiều huyền thoại về quyền lực linh thiêng của Bà trong việc ban phúc, giáng họa “Cho con người”. Theo chiều dài lịch sử mở nước của người Việt, những huyền thoại ly kỳ về ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ cũng ngày một nhiều hơn, phản ánh đức tin vào các thế lực siêu nhiên và luật nhân quả ở đời.
Ngày nay về Châu Đốc, khách du lịch không thể không một lần đến chiêm bái, thắp hương ở miếu Bà Chúa Xứ - một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của An Giang. Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam nằm trên vùng đất trũng phía Tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng. Kiến trúc có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng.
Trông từ xa, ngôi miếu Bà như một bông sen xanh ngự uy nghi trên cao để người đời hướng về bái vọng. Lại gần, khách sẽ thấy ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng các hoa văn ở cổ lầu chính điện, thể hiện đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son.
Miền đất trù phú
Ngoài miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc còn rất nhiều di tích, thắng cảnh bạn không thể bỏ qua như chùa Tây An cổ tự, Lăng Thoại Ngọc Hầu hay còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu thời phong kiến và là một di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Ngoài ra còn có Long Sơn Tự là một ngôi chùa đẹp với nhiều tượng Phật, Bồ Tát uy nghi, tự tại như đang nhìn bao quát thế gian. Đi hết một vòng, bạn sẽ tiếp tục đến bến tàu Du Lịch Châu Đốc để đi thăm làng Chăm Châu Giang và làng bè cá Châu Đốc trên những chiếc đò máy chạy dọc dòng sông Hậu hiền hòa đầy thơ mộng.
Đến Châu Đốc nhớ đừng quên ghé qua các hàng ăn bán món “đặc sản” của vùng núi Sam như bò xào lá giang, gỏi sầu đâu trộn khô cá lóc, canh chua cá ba sa bông điên điển…
Vòng trở lại, du khách đừng quên ghé chợ Châu Đốc- nơi được mệnh danh là “vương quốc mắm”, vì đây cũng là một đặc sản của Châu Đốc- miền đất trù phú nhờ có con sông Hậu nặng phù sa. Nơi đây có rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại như mắm cá linh, cá chốt, mắm trèn...
Nhưng đặc biệt hơn cả là “mắm thái” đây là món ăn rất tinh tế bằng sự pha trộn tài tình từ thịt phi-lê mắm cá lóc với đu đủ thái sợi. Ngoài ra du khách còn có thể mua khô bò, khô rắn, khô cá sặc, khô cá tra phồng, lạp xưởng bò … tất cả hội tụ về đây tạo cho Châu Đốc trở thành xứ sở của các món ăn đặc sản. Chợ còn có các loại đặc sản như: Đường thốt nốt, kẹo me, thạch thốt nốt, các loại kẹo để khách mua về làm quà.
Về thăm miếu Bà Chúa Xứ linh thiêng ở núi Sam
TP.Châu Đốc An Giang là địa danh có chiều dài lịch sử vàng son, gắn liền với truyền thuyết ly kỳ về Bà Chúa Xứ núi Sam - nơi có Lễ hội Bà Chúa Xứ vào tháng Tư âm lịch hàng năm.
Phạm Hoàng Dũng