Clip: Ban Quản lý và người dân bản nông thôn mới kiểu mẫu Nghĩa Hưng tiếp tục thi đua, duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Nghĩa Hưng xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp
Sau nhiều năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tháng 4 năm 2023, bản Nghĩa Hưng được UBND huyện Phù Yên công nhận đạt bản nông thôn mới kiểu mẫu. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới "chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc", đến nay, bản Nghĩa Hưng tiếp tục phát huy nội lực nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Theo quan sát, tuyến đường nhựa khang trang đi từ cổng chào bản nông thôn mới kiểu mẫu - bản Nghĩa Hưng - xã Mường Cơi - huyện Phù Yên vào trung tâm bản được người dân vệ sinh sạch sẽ. Lề đường được các hộ dân trong bản tự bỏ tiền ra đổ bê tông để mở rộng thêm mặt đường, đồng thời trồng thêm các chậu hoa 2 bên đường, nhằm chung tay xây dựng Nghĩa Hưng thành vùng quê đáng sống.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lương Văn Khôi - dân bản Nghĩa Hưng bảo: "Sau khi bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi hiểu rằng xây dựng nông thôn mới là làm cho chính mình, mình được hưởng. Vì vậy, gia đình tôi tự bỏ tiền của, công sức ra để mua nguyên vật liệu đổ bê tông lề đường, sau đó tiến hành trồng 20 chậu hoa trên lề đường để làm đẹp cho bản. Địa phận của hộ gia đình nào thì hộ đó tự bỏ tiền túi và công sức ra làm".
Đối diện hộ gia đình ông Khôi là ngôi nhà xây khang trang của hộ bà Nguyễn Hồng Tuyển. Theo bà Tuyển, khi bản về đích nông thôn mới kiểu mẫu, diện mạo nông thôn khác so với trước đây rất nhiều. Đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa và các công trình công cộng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp nên tinh thần của bà con rất phấn khởi.
"Đất thuộc địa phận của gia đình dài hơn các hộ khác nên vợ chồng tôi phải mất khoảng 10 triệu đổ bê tông lề đường và trồng hoa. Mình bỏ ra nguồn lực để làm đẹp trước hết cho gia đình mình, sau đó làm đẹp cho bản. Mất công, mất sức làm rồi nên hộ nào cũng hình thành thói quen, có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp", bà Tuyển chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về quá trình xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu, ông Nguyễn Đức Cường - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nghĩa Hưng cho biết, khi Nghĩa Hưng được lựa chọn xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu, Ban Quản lý bản đã tổ chức họp toàn dân. Đồng thời, mời thêm các đồng chí lãnh đạo thường trực Đảng ủy, UBND xã xuống họp cùng để tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động cho bà con
Theo đó, thông qua các buổi lấy ý kiến của các hộ dân trong bản thì tất cả đều đồng tình hưởng ứng xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu. Bà con hiểu được xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là phục vụ cho cuộc sống của chính người dân trong bản. Do vậy, nhà nhà, người người đều có ý thức, trách nhiệm với bản làng và cùng chung tay vào cuộc.
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nghĩa Hưng bảo: "Muốn khơi dậy được sức dân, chúng ta phải làm những công việc phục vụ chính lợi ích cho người dân. Nhờ đó, sau khi đạt bản nông thôn mới kiểu mẫu, Ban Quản lý bản Nghĩa Hưng đã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tự giác, tự nguyện huy động nội lực từng hộ gia đình để đổ bê tông 2 bên đường và trồng các chậu hoa, cây cảnh 2 bên đường".
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập
Bên cạnh việc xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, chi bộ và chính quyền bản Nghĩa Hưng định hướng bà con chuyển đổi cây ngô, bưởi diễn, cam vinh không hiệu quả chuyển sang trồng quýt ngọt và cam đường canh.
Tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc như nuôi lợn, bò nhốt chuồng, bò 3B gắn với việc bảo vệ môi trường; phát triển thêm diện tích trồng rừng kinh tế. Mục tiêu đạt ra thu nhập năm sau cao hơn năm trước.
Tính đến nay, bản Nghĩa Hưng có 50ha diện tích cây ăn quả có múi các loại, trên 1.900 con gia súc, chăm sóc và bảo vệ trên 150ha rừng khoanh nuôi và rừng trồng. Bản có 1 HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng cùng với 11 thành viên tham gia trồng sản phẩm quýt ngọt với diện tích 28,5ha. Sản phẩm quýt ngọt được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Năm 2024, thu nhập bình quân của bản đạt 46 triệu đồng/người/năm; năm 2025, phấn đấu đạt 48 triệu đồng/người/năm. Bản Nghĩa Hưng hiện không còn hộ nghèo, cận nghèo.
Nhấn mạnh thêm về tiêu chí thu nhập, ông Nguyễn Đức Cường - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nghĩa Hưng cho rằng, chi khi bà con có kinh tế phát triển, có thu nhập cao, ổn định thì mới huy động được nguồn lực để xây dựng công trình phúc lợi, cảnh quan môi trường và các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, 100% đường trục bản Nghĩa Hưng đã được rải nhựa và đổ bê tông; 100% số hộ thực hiện tốt vệ sinh môi trường và có hàng rào bằng cây xanh hoặc hoa. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức. Xuất hiện nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi làm "đầu tàu" dẫn dắt bà con trong bản phát triển kinh tế như hộ ông Nguyễn Văn Sử, Nguyễn Đức Cường... Người dân bản Nghĩa Hưng đã và đang chung sức, đồng lòng xây dựng nơi đây thành vùng quê đáng sống.
Được biết nguồn lực để giúp Nghĩa Hưng đạt bản nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023 là gần 3 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xây nhà văn hóa, đường giao thông, điện chiếu sáng, cổng chào... hơn 2 tỷ; còn lại người dân đóng góp là trên 700 triệu đồng. Riêng năm 2024, tổng số tiền các hộ dân tự bỏ ra để đổ bê tông 2 lề đường và mua chậu hoa cây cảnh trên 400 triệu đồng.