dd/mm/yyyy

Văn phòng SPS Việt Nam phổ biến các quy định hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU

Mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tham dự hội nghị có Hội Nông dân, HTX, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và lãnh đạo Sở NNPTNT các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận.

Văn phòng SPS Việt Nam phổ biến các quy định hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU - Ảnh 1.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Theo thông tin tại hội nghị, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do. Đây là lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm nông sản đi các thị trường lớn.

Tại hội nghị, các đại biểu được cập nhật cam kết về an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS) trong EVFTA, thông báo dự thảo các biện pháp SPS; quản lý dịch hại tổng hợp đối với cây ăn trái, sâu bệnh và giải pháp phòng ngừa sâu bệnh; các quy định của thị trường EU đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam; giới thiệu công nghệ sơ chế bảo quản một số loại thủy sản xuất khẩu sang EU; giới thiệu phần mềm tra cứu cơ sở dữ liệu các quy định từng thị trường.

Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, Đắk Lắk có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Hiện Đắk Lắk đã có 83 mã vùng trồng được cấp cho các loại cây ăn quả. Đây là lợi thế để tỉnh tiếp tục triển khai các bước quản lý vùng trồng, sản xuất theo chứng nhận đạt chuẩn để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu. 

"Hội nghị sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước doanh nghiệp, người dân nắm được một số nội dung cốt lõi của Hiệp định, các tác động và cách thức ứng phó, cũng như chia sẻ những giải pháp và cách thức tiếp cận hiệu quả thị trường. Đây cũng là dịp nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp để từ đó có thể tận dụng tốt nhất do Hiệp định đem lại. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, gia tăng hiệu quả sản xuất", ông Hiển chia sẻ.

Văn phòng SPS Việt Nam phổ biến các quy định hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU - Ảnh 2.

Trái cây Đăk Lăk rất có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trái sầu riêng, có triển vọng rất lớn cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hiện nay các Nghị định ký kết với các quốc gia đã được cơ bản cập nhật đến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp để kịp thời các quy định, tháo gỡ các khó khăn để đáp ứng được thị trường.

Theo ông Nam, một doanh nghiệp quy định vi phạm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thì lập tức bị nước nhập khẩu cảnh báo.

Tất cả các cảnh báo này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp là đầu tiên, đối tượng thứ 2 là toàn ngành hàng và đối tượng cuối cùng là ảnh hưởng đến uy tín ngành nông nghiệp Việt Nam. Lâu nay chúng ta luôn quan niệm EU là thị trường khắc khe về các tiêu chuẩn. 

Tuy nhiên, thông qua nhiều hội nghị, ý kiến của chuyên gia đã đến lúc chúng ta bỏ quan niệm này. Bất kỳ quốc gia nào cũng có quy định riêng về quản lý an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người dân.

Do đó chúng ta cần bỏ quan niệm này, nếu cứ nghĩ khó tính thì chúng ta sẽ không bao giờ đáp ứng được yêu cầu của họ. Để đáp ứng được các quy định này thì cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, từ nông dân và doanh nghiệp.

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM

An Nhiên