Tham dự hội nghị có ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các thành viên Văn phòng SPS; đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT, Sở Công Thương và Hội Nông dân các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; đại diện các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Xuân Nam cho biết, với chức năng là cơ quan đầu mối, Chính phủ giao Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan thường trực quốc gia để giải quyết tất cả các vấn đề về thông tin, cập nhật thông tin thị trường, cũng như tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp khi giao thương với các đối tác thương mại.
Chính vì vậy, Bộ NNPTNT giao Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức một chuỗi hội nghị từ Tây Nguyên, xuống các tỉnh miền Đông Nam bộ, TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, sau đó là các tỉnh cửa khẩu biên giới...
Ông Nam cũng thông tin thêm, đến thời điểm này sau 16 năm tham gia WTO, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, đây là lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm nông sản đi các thị trường lớn. Việc xuất khẩu sang thị trường nào thì phải tuân thủ quy định của thị trường đó, không thị trường nào giống thị trường nào.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu thông tin về thị trường, còn tư tưởng chấp nhận rủi ro trong xuất khẩu nông sản...
Do đó chuỗi hội nghị của SPS thông tin đến các doanh nghiệp về thị trường, các quy định khi tham gia xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sản sang thị trường các nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, cũng như Mỹ và khối EU...
Thay mặt Văn phòng SPS Việt Nam, ông Đinh Đức Hiệp giới thiệu cam kết về SPS trong RCEP, cập nhật thông báo dự thảo các biện pháp SPS của các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.
Nội dung Hiệp định quy định nguyên tắc xác định các tiêu chí, yêu cầu và biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động, thực vật và sản phẩm từ động, thực vật trong thương mại quốc tế; các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định SPS/WTO là tự do, công khai, minh bạch (khách quan), công bằng và hài hoà.
Các thành viên có quyền sử dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật ở mức cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động vật và thực vật. Nghĩa vụ của các thành viên sẽ thông báo những thay đổi trong biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật và cung cấp thông tin về các biện pháp vệ sinh vê sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của mình.
Mục tiêu của Hiệp định SPS/WTO là quyền bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật của mỗi quốc gia thành viên; tránh tạo ra các rào cản trong thương mại giữa các quốc gia thành viên.
Tại hội nghị các đơn vị có liên quan cũng đã hướng dẫn đăng ký xuất khẩu tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến sang thị trường Trung Quốc; các quy định của thị trường RCEP đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với cây ăn trái, sâu bệnh và giải pháp phòng ngừa sâu bệnh; quy định của thị trường RCEP về kiểm dịch thực vật và ATTP đối với hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật và giới thiệu về phần mềm tra cứu cơ sở dữ liệu các quy định từng thị trường.
Sau khi nghe các đại biểu phổ biến các quy định, cam kết về SPS trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và những nội dung liên quan, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề như....
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Liên - Chánh Văn phòng Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, bày tỏ: Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS của các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand lần này tổ chức tại Kiên Giang là cơ hội để doanh nghiệp, HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh bạn nói chung hiểu rõ hơn về các quy định để sản xuất, chế biến các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu nhằm gia tăng sản lượng nông thủy sản xuất khẩu sang các nước trong RCEP cũng như các nước khác trên thế giới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, gia tăng hiệu quả sản xuất.
THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM