Trồng lúa hữu cơ trên cánh đồng Buôn Trấp ở Đắk Lắk, nông dân giảm chi phí, thu nhập tăng

Phan Văn Đồng (Trạm KN Krông Ana/TTKN Đắk Lắk) Chủ nhật, ngày 26/11/2023 08:34 AM (GMT+7)
Ngày 13/9/2023, Trạm Khuyến nông huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình “sản xuất lúa theo hướng hữu cơ” triển khai trong vụ Hè Thu năm 2023 trên địa bàn huyện.
Bình luận 0

Với mục đích là sử dụng phân bón hữu cơ để giảm dần và thay thế cho các loại phân hóa học, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bảo vệ môi trường hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lượng cao, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Krông Ana triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ” tại cánh đồng Buôn Trấp, Thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, quy mô 6,0 ha, sử dụng giống Đài Thơm 8 với 2 nhóm hộ tham gia mô hình (12 hộ).

Tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được ngân sách hỗ trợ 70% về giống và vật tư, phân bón. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình cũng như một số hộ dân tại địa phương được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ và kỹ thuật thâm canh cây lúa, nhờ đó mà nông dân hiểu được và thực hiện tốt quy trình. 

Trồng lúa hữu cơ trên cánh đồng Buôn Trấp ở Đắk Lắk, nông dân giảm chi phí, thu nhập tăng - Ảnh 1.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại cánh đồng Buôn Trấp, Thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Qua buổi sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, được trực tiếp tham quan mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ, các đại biểu cũng như các hộ dân ở địa phương đều có chung nhận định, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phương thức sản xuất hiệu quả, bền vững, phù hợp với xu thế và cần được nhân rộng. 

Kết quả mô hình cho thấy lúa cứng cây, lá đứng có màu xanh bền, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại vượt trội so với cây lúa canh tác theo truyền thống, năng suất cao, hạt lúa sáng, chắc mẩy. 

Mô hình bước đầu tiết kiệm hơn được giống lúa, công sạ, chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với ngoài mô hình. 

Năng suất lúa của mô hình đạt 7,5 tấn/ha, tăng trên 7,0 % so với năng suất bình quân hàng năm của khu vực lân cận. Với giá lúa hiện tại ở địa phương, sau khi trừ chi phí, mô hình cho thu về trên 20 triệu đồng/ha.

Trồng lúa hữu cơ trên cánh đồng Buôn Trấp ở Đắk Lắk, nông dân giảm chi phí, thu nhập tăng - Ảnh 2.

Hạt lúa sản xuất theo hướng hữu cơ màu sáng, chắc mẩy

Ông Đỗ Danh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá cao kết quả thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ tại huyện Krông Ana, đồng thời ông cho rằng để nhân rộng mô hình, trong thời gian tới, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ...

Huyện cũng cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Ông đề nghị Trạm Khuyến nông huyện cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan có kế hoạch phổ biến, nhân rộng mô hình và thực hiện tốt công tác khuyến nông trên địa bàn huyện Krông Ana trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem