Ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng VIAEP trả lời về lô vải thiều XK sang thị trường Úc bị trả về.
Trước thông tin về những lô vải thiều đầu tiên được XK sang thị trường Úc hầu hết bị thối, hỏng la liệt và bị đối tác trả lại. Theo đó, sử dụng dây chuyền công nghệ bảo quản quả vải của một dự án do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP).
Ngày 14.8, VIAEP đã có cuộc họp cùng các DN xuất khẩu và đơn vị quản lí vận hành dây chuyền bảo quản vải thiều là HTX Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nhằm thảo luận, tìm nguyên nhân về sự cố trên. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng VIAEP về những vấn đề xung quanh sự việc này.
Ông có thể nêu những nội dung, công dụng cơ bản của dây chuyền công nghệ bảo quản quả vải do Viện chủ trì thực hiện tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được áp dụng cho các lô vải XK?
Mô hình ứng dụng công nghệ bảo quản quả vải thiều tại HTX Hồng Giang thuộc một dự án của Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng Nông thôn mới do VIAEP chủ trì thực hiện. Tổng kinh phí dành cho toàn bộ dây chuyền sơ chế, bao gói, bảo quản khoảng 3 tỉ đồng, bao gồm băng chuyền xử lí nhiệt và hóa chất, các nhà kho làm lạnh, kho đóng gói… Các thiết bị có nguồn gốc nội địa, do Viện trực tiếp nghiên cứu thiết kế và đặt hàng SX.
Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại Bắc Giang. Ảnh minh họa
Mặc dù dự án mới chỉ triển khai trong 2 năm 2016-2017, nhưng công nghệ bảo quản này thực ra không còn lạ lẫm, đã được nghiên cứu thử nghiệm và chứng minh hiệu quả từ lâu tại nước ta. Quy trình cũng không có nhiều phức tạp: Quả vải sau khi tuyển chọn phân loại sẽ được đi qua băng chuyền để xử lí bằng hơi nước nóng bão hòa ở nhiệt độ xung quanh 50 độ C, sau đó tiếp tục đi qua băng chuyền xử lí bằng dung dịch pH thấp và axit hữu cơ nhằm làm sạch, loại bỏ côn trùng và nấm mốc, đồng thời giữ màu và ngăn ngừa các vi sinh vật phát triển. Sau đó, vải tiếp tục được chuyển vào kho lạnh để làm lạnh đột ngột ở nhiệt độ từ 6-8 độ C trong khoảng 30 phút nhằm giúp quả vải đi vào trạng thái “ngủ đông”, kết hợp với việc hút ẩm để làm khô bề mặt vỏ… trước khi đóng gói phân loại và đưa đi chiếu xạ tại Hà Nội.
Các DN phản ánh có tình trạng quả vải sau khi trải qua xử lí bảo quản XK sang Úc thì nhiều lô bị thối, hỏng rất nhiều. Vì sao một công nghệ theo công bố là sẽ bảo quản được quả vải từ 5-7 tuần, vậy mà mới chuyển sang tới Úc đã hỏng?
Năm 2016, HTX Hồng Giang phối hợp với Viện đã tiến hành xử lí bảo quản cho 2 công ty tham gia XK vải sang Úc ở Hà Nội là Cty TNHH Agricare Việt Nam và Cty TNHH Phong Sơn Tiệm. Trong đó, chỉ có Cty TNHH Phong Sơn Tiệm phản ánh là vải XK sang Úc bị hỏng mà thôi, riêng các lô hàng của Cty TNHH Agricare Việt Nam thì khi XK sang Úc phía DN cho biết là mẫu mã, chất lượng vẫn rất tốt.
Vì vậy sang vụ vải năm 2017 vừa qua, Cty TNHH Agricare Việt Nam tiếp tục áp dụng quy trình bảo quản này, nhưng vừa qua họ phản ánh là vải XK sang Úc bị hỏng. Ngay sau khi nhận được thông tin DN phản ánh, cũng như kiểm tra xác minh, trong tuần qua, chúng tôi cùng với ban chủ nhiệm chương trình của Viện đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của DN, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình bảo quản này. Bởi cùng một dây chuyền, một quy trình xử lí bảo quản, có lô hàng có tác dụng bảo quản rất tốt, nhưng cũng có những lô bị hỏng, như vậy rõ ràng là quy trình bảo quản chưa hoàn thiện và còn có vấn đề.
Vậy đến lúc này, Viện đã xác định được những lô vải XK bị hỏng do những nguyên nhân nào chưa?
Qua thảo luận phân tích cùng với các DN xuất khẩu và HTX vận hành dây chuyền bảo quản, chúng tôi đã nhóm được một số vấn đề cần phải nghiên cứu hoàn thiện thêm: Một là ở khâu làm khô và làm lạnh đột ngột, theo yêu cầu là quả vải phải được làm lạnh sâu ở nhiệt độ từ 6-8 độ C trong vòng 30 phút, đồng thời phải làm khô ráo được lớp vỏ. Qua rà soát, có thể có tình trạng ở khâu này việc xử lí chưa triệt để và kỹ càng, khiến cho một số lượng nhất định quả vải vẫn chưa được làm khô ráo vỏ và làm lạnh sâu đạt yêu cầu, nên sau đó đã kích thích cho vi sinh vật phát triển trở lại khiến vải bị hỏng…
Các lô vải thiều XK của Cty TNHH Agricare Việt Nam sang Úc đã bị hỏng la liệt
Vấn đề thứ hai, đó là trong quá trình vận chuyển các lô vải đi XK, nền nhiệt độ bảo quản ở mức cao hơn so với mức nhiệt độ bảo quản theo quy trình của Viện, khiến mẫu mã, chất lượng quả vải bị biến đổi.
Cụ thể, quy trình nhiệt độ bảo quản mà Viện đưa ra và thực tế được áp dụng trong quá trình XK khác nhau thế nào thưa ông?
Trước khi áp dụng bảo quản cho các lô vải XK, công nghệ bảo quản này không có gì là lạ lẫm, đã chứng minh hiệu quả thực tế và đã được Viện nghiên cứu thử nghiệm thành công từ lâu. Cụ thể quả vải sau khi được xử lí qua dây chuyền, được bảo quản trong kho dự trữ của Viện với nhiệt độ ổn định ở mức 4 độ C thì vẫn đảm bảo mẫu mã, chất lượng tốt sau 5-7 tuần (hơn 1 tháng). Tuy nhiên trong suốt quá trình XK (như vận chuyển bằng container lạnh, chiếu xạ, vận chuyển trên máy bay, kho cảng…), do các điều kiện khách quan nên quả vải chỉ có thể được bảo quản mát ở nhiệt độ từ 10-15 độ C, cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ tối ưu để bảo quản tồn trữ trong kho. Vì vậy, đây có thể là nguyên nhân khiến vải bị hỏng.
Vậy trước khi thực hiện bảo quản cho các DN xuất khẩu, Viện có biết được sự khác nhau về điều kiện bảo quản theo điều kiện “lí tưởng” ở mức 4 độ C theo quy trình, và điều kiện thực tế khi vận chuyển đi XK bằng đường hàng không là chỉ có thể từ 10-15 độ C để khuyến cáo cho DN hay không?
Thực ra, nói chúng tôi không biết điều đó để khuyến cáo cho DN thì không đúng. Năm 2016, khi đưa vào vận hành để XK đúng là còn vội vàng, nên chuyện khuyến cáo cho DN chưa thực hiện được. Một phần, chúng tôi nghĩ với khoảng thời gian XK đi Úc chỉ khoảng 1-2 ngày, sự khác nhau về điều kiện nhiệt độ bảo quản có thể sẽ vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên thực tế thì lại có những lô không được như mong muốn, vì vậy Viện đang phải nghiêm túc xem xét lại quy trình, để làm sao việc xử lí bảo quản vẫn đảm bảo được cho XK với điều kiện nhiệt độ bảo quản chỉ từ 10-15 độ C mà vẫn giữ được chất lượng.
Tại sao một quy trình bảo quản chưa được nghiệm thu hoàn chỉnh, lại áp dụng cho DN xuất khẩu một cách đầy rủi ro như vậy? Ai sẽ chịu trách nhiệm với thiệt hại của DN?
Mục tiêu của chương trình áp dụng quy trình bảo quản này là phải gắn được với xuất khẩu để tăng giá trị quả vải cho nông dân, vì vậy trong quá trình triển khai, chúng tôi buộc phải gắn với DN cụ thể, và phải có những lô hàng XK thành công thì mới có thể nghiệm thu được chương trình.
Vì vậy trước việc một số lô hàng của DN gặp sự cố vừa qua, chúng tôi đã nghiêm túc đánh giá lại quy trình bảo quản này là chưa phù hợp với bảo quản cho quả vải XK. Theo kế hoạch, chương trình sẽ nghiệm thu vào cuối năm 2017, tuy nhiên chúng tôi sẽ đề nghị Ban chủ nhiệm chương trình chưa nghiệm thu, cho kéo dài thêm để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Bị đối tác Úc hủy hợp đồng do vải XK bị hỏng, một lượng lớn bao bì đóng gói quả vải của DN vẫn đang nằm lại trong kho ở HTX Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Trong năm 2018, chúng tôi mong các DN xuất khẩu tiếp tục chia sẻ, đồng hành để hoàn thiện thêm cho quy trình XK, không chỉ XK bằng đường hàng không mà còn bằng đường biển. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đề xuất cơ chế cùng chịu trách nhiệm về những rủi ro với DN trong suốt quá trình triển khai nghiên cứu để tránh lặp lại những sự việc như vừa qua.
Xin cảm ơn ông!