Biến đồi hoang thành khu du lịch sinh thái
Khi nguồn thu của gia đình ổn định từ phát triển nông nghiệp, anh Pâng lại nghĩ cách phát triển kinh tế "độc nhất" cho mình. Đứng trên đỉnh đèo Tẳng Quái, hướng tầm mắt về phía dưới anh Pâng chỉ cho chúng tôi thấy trang trại rộng hơn 50ha mà anh đã đầu tư 7 năm nay. Đúng là tỷ phú chân đất, dám nghĩ, dám làm. Vườn mắc ca của anh Pâng đã bắt đầu cho thu hoạch, dù sản lượng chưa được như anh mong muốn.
"12 năm thu nhập từ làm nông nghiệp được bao nhiêu tôi đầu tư hết vào trang trại này, riêng tiền mua đất đã hết vài tỷ rồi chưa kể tiền đâu tư. Ý tưởng của tôi là biến vùng này thành khu du lịch sinh thái, cùng với trồng cây mắc ca. Có thể bây giờ mọi người nó tôi hâm, nhưng tôi tin mình sẽ thành công" anh Pâng khẳng định. Qua câu chuyện, chúng tôi thấy được trong huyết quản anh đang chảy mạnh quyết tâm biến khu đỉnh đèo quanh năm gió hút này thành khu du lịch sinh thái có 1 không 2 của Điện Biên.
Với lợi thế chỉ cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 30km, khí hậu mát mẻ quanh năm, đây là điểm đến lý tưởng cho khách đến thăm quan, nghỉ ngơi sau 1 tuần làm việc mệt nhọc. Sau khi thiết kế xong, điểm du lịch của anh Pâng sẽ là điểm đến thu hút được nhiều người, vì như tính toán của anh Pâng thì mọi dịch vụ ăn uống, vui chơi của khách sẽ được gia đình anh đáp ứng.
"Tôi sẽ làm đường đi vòng qua các quả núi, cứ cách 200m tôi sẽ làm một ngôi nhà nhỏ nhưng đầy đủ hệ thống điện, nước, giường nghỉ, bếp nấu ăn... Nếu gia đình nào ra đây nghỉ ngơi, muốn nấu ăn cũng được mà muốn đặt cơm tôi cũng phục vụ các món ăn dân tộc. Chỉ mất vài trăm nghìn mà cả nhà được một ngày nghỉ vui vẻ, hòa mình với thiên nhiên, từ trẻ con đến người già không còn cảm giác ngột ngạt ở đô thị" Anh Pâng chia sẻ ý tưởng làm du lịch sinh thái của mình. Khu du lịch sinh thái của anh đang hình thành với những con đường bê tông, chạy dọc quanh đồi. Những luống hoa Tam giác mạch đã được trồng, rồi hàng cây hoa Anh đào, hoa Ban đã được trồng đợi ngày ra hoa.
Đưa cây tỷ đô vào đất cằn, thành tỷ phú
Nói như ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ thì không thể tưởng tượng được những suy nghĩ cách làm của anh Pâng: "Cả tỉnh không ai mạnh dạn đi đầu như cậu ấy, dám đầu tư trồng hơn 30ha cây mắc ca mà không cần sự hỗ trợ của nhà nước. Khi nghe cậu ấy nói ý tưởng của mình, tôi đã khuyên cậu ấy tính toán thật kỹ khi trồng cây mắc ca với diện tích lớn, nhưng anh Pâng nói sẽ thắng lợi. Quả đúng như vậy 20ha mắc ca trồng năm đầu đã ra bói" ông Tuấn Anh nói.
Vườn cây mắc ca nằm giữa đỉnh đèo quanh năm lộng gió ddang cho những trái ngọt đầu tiên. Sau gần 7 năm trồng, đến nay 20ha trồng năm đầu đã cho thu hoạch. Năng suất những năm đầu chưa được cao, nhưng theo anh Pâng thì so với trồng ngô, lúa thì mắc ca cho thu nhập cao hơn gấp vài chục lần. Một tín hiệu vui cho anh nông dân dám nghĩ dám làm.
Để có vườn mắc ca xanh tốt như ngày hôm nay, anh Pâng đã đầu tư vài tỷ đồng, cất công xuống Viện Cây nông nghiệp Việt Nam, nhờ các kỹ sư tư vấn cách trồng cây. Để cây mắc ca phát triển tốt, anh Pâng còn mang mẫu đất xuống thuê các kỹ sư kiểm tra xem mẫu đất thiếu các loại vi khoáng, chất như thế nào để được tư vấn cách bón phân sao hiệu quả nhất, cây mắc ca phát triển tốt, cho quả sai.
"Không làm thế không được, mình đầu tư cả chục tỷ đồng vào đây rồi mà không biết bắt bệnh cho cây thì làm sao có lợi nhuận được. Mất thêm vài trăm triệu tôi cũng phải làm, vì như thế mình sẽ biết cây thiếu chất dinh dưỡng gì, khi ra hoa, đậu quả phải bón phân thế nào để chất lượng quả tốt nhất" anh Pâng cho biết.
Với cách suy nghĩ, cách làm riêng của mình, từ cho bị mọi người cho là hâm, anh Pâng đã mang đến bước đột phá về kinh tế không chỉ cho riêng gia đình mà cho hàng nghìn hộ dân. Từ cách làm hay, hiệu quả, đến nay trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 2 tỷ đồng. Anh Pâng trở thành một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của Điện Biên.