dd/mm/yyyy

Trứng, sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam được xuất khẩu sang Hồng Kông sau 4 năm bị cấm

Từ ngày 31/7, trứng, sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai có thể xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) sau 4 năm thị trường này đưa ra lệnh cấm nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngày 31/7/2023, Cục Vệ sinh môi trường và An toàn thực phẩm Hồng Kông (Trung Quốc) đã có thư gửi Cục trưởng Cục Thú y Việt Nam thông báo gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng và sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.

Như vậy, từ nay, các doanh nghiệp, trang trại và người chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh này có thể xuất khẩu chính ngạch trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang Hồng Kông.

Các lô hàng xuất khẩu phải được Cục Thú y kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu theo mẫu và nội dung đã thống nhất với phía Hồng Kông.

Hồng Kông là một trong những thị trường chính và chiếm khoảng 40 - 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Trước khi cấm nhập, mỗi năm Hồng Kông chi vài chục triệu USD để nhập khẩu trứng và sản phẩm từ trứng gia cầm từ Việt Nam.

Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, để Hồng Kông gỡ bỏ lệnh cấm thì Cục Thú y phải nỗ lực rất lớn trong việc trao đổi, đàm phán thú y và cung cấp các tài liệu về kết quả phòng chống giám sát bệnh cúm gia cầm của Việt Nam.

"Bệnh cúm gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 14 ổ dịch nhỏ lẻ, buộc tiêu hủy khoảng 18.000 con gia cầm, giảm trên 70% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, toàn bộ các tỉnh Đông Nam bộ không xảy ra cúm gia cầm", ông Long thông tin.

Trứng, sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam được xuất khẩu sang Hồng Kông sau 4 năm bị cấm - Ảnh 1.

Ngày 31/7/2023, Cục Vệ sinh môi trường và An toàn thực phẩm Hồng Kông (Trung Quốc) đã có thư gửi Cục trưởng Cục Thú y Việt Nam thông báo gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng và sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.

Ông Long nhấn mạnh, có được kết quả trên, Cục Thú y và các địa phương đã tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch quốc gia về phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Cục đã hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức chủ động giám sát, cảnh báo và ứng phó kịp thời đối với bệnh cúm gia cầm; Đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm, tổ chức thông tin, tuyên truyền các giải pháp phòng, chống bệnh trên gia cầm.

Đồng thời Cục cũng chủ động và kịp thời cung cấp thông tin và đề nghị Cục Vệ sinh môi trường và An toàn thực phẩm Hồng Kông dỡ bỏ lệnh cấm nhập trứng gia cầm và sản phẩm trứng (tươi sống và chế biến).

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”.

Theo đó, mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 – 2030 là đến năm 2025, có 06 vùng của tỉnh Bình Phước và 01 vùng của tỉnh Tây Ninh, 12 vùng khác của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh đạt an toàn dịch bệnh (ATDB) theo quy định của Việt Nam; 04 vùng của tỉnh Bình Phước và 01 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH)

Đến năm 2030, các vùng đã đạt ATDB tiếp tục được duy trì; các huyện còn lại của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên được xây dựng vùng ATDB theo quy định của Việt Nam; có 08 vùng khác của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của WOAH; Xuất khẩu được trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hoa Kỳ và các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan.

Bình Minh