Tin vui đối với người chăn nuôi lợn là hôm qua, tại huyện Hải Hậu (Nam Định) đã diễn ra lễ khánh thành tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn theo công nghệ quốc tế Nhà máy Biển Đông DHS có quy mô lớn nhất miền Bắc, với công suất giết mổ 300 con lợn/giờ.
Giá heo hơi mới nhất: Nơi thấp nhất 43.000 đồng/kg, cao nhất 52.000 đồng/kg
Theo ghi nhận từ các chủ trang trại, giá heo hơi mới nhất tại Hưng Yên giảm thêm 1.000 đồng xuống 44.000 đồng/kg; Hải Dương hiện đang ở mức 46.000 đồng. Tại huyện Ba Vì (Hà Nội), giá lợn hơi hôm nay dao động từ 44.000-45.000 đồng/kg.
Các tỉnh khác như Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam… giá heo hơi đang dao động trong khoảng 45.000 – 46.000 đồng/kg. Đáng chú ý, tại Sơn La giá lợn hơi vẫn duy trì mức cao hơn so với các địa phương khác, hiện đạt 48.000 đồng/kg.
Tại TP.Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), một chủ trang trại cho biết giá lợn hơi siêu hiện đang dao động từ 43.000-44.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất hồi tháng 9. Để có thể thu được lợi nhuận cao nhất, chủ trang trại này đã tự giết mổ lợn rồi vận chuyển về Hà Nội bán tại chợ đầu mối.
Sau khi liên tục có xu hướng giảm trong tuần trước, đến tuần này tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng như phía Nam, giá heo hơi hiện ít biến động. Theo đó, tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, thương lái thu mua heo siêu trong dân với giá từ 51.000 – 52.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá phổ biến được ghi nhận tại Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang ….
Giá heo hơi tại Bình Phước, Vĩnh Long đang ở mức 50.000 đồng/kg. Tại Sóc Trăng, Vũng Tàu giá heo hơi thấp hơn, lần lượt đạt 47.000 đồng và 49.000 đồng/kg.
Tại địa bàn Thanh Hóa, giá lợn hơi hiện dao động trong khoảng 46.000 – 47.000 đồng/kg. Một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam vẫn đạt mức 49.000 – 50.000 đồng/kg.
Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn, tham tán thương mại hiến "kế"
Ngày 4.11, tại lễ khánh thành tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn theo công nghệ quốc tế Nhà máy Biển Đông DHS diễn ra tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), ông Hồ Toả Cẩm - Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rất lớn với 1,4 tỉ người, chỉ tính riêng tổng sản lượng thịt lợn tiêu thụ mỗi năm đã lên tới 600 triệu con, và hiện phải nhập khẩu rất lớn.
"Tuy nhiên, do Việt Nam chưa thanh toán xong dịch bệnh lở mồm long móng nên chưa thể xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Nhưng theo số liệu chúng tôi nắm được, năm 2016 Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc khoảng 5 triệu con heo theo đường tiểu ngạch, tương đương 600.000 tấn, giá trị xuất sang hơn 1 tỉ USD" - ông Cẩm nói.
Ông Cẩm nói thêm: Chúng tôi cũng đã thường xuyên làm việc, trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam làm thế nào đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam như thịt lợn sữa, trứng, rau quả sang Trung Quốc nhiều hơn. Về thịt lợn, tôi nghĩ có thể chọn giải pháp linh hoạt hơn, đó là tìm một nơi nào đó khoảng 20ha ở biên giới giữa 2 nước để thành lập một khu cách li, lợn hơi của Việt Nam đưa vào khu đó một thời gian, chuyên gia Việt Nam, Trung Quốc sẽ cùng thực hiện kiểm dịch, kiểm định nghiệm thu đạt chuẩn rồi xuất sang Trung Quốc.
"Đây là biện pháp tạm thời. Tin rằng với sự vào cuộc, sự tham gia của các doanh nghiệp như Biển Đông, De Heus, sẽ có nhiều sản phẩm thịt lợn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch" - ông Cẩm nói.
Theo số liệu thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam, sau giai đoạn thăng trầm của ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam từ năm 2016 đến nay, chăn nuôi nông hộ có sự sụt giảm mạnh trong khi tỉ lệ chăn nuôi trang trại có sự bứt phá mạnh mẽ, hiện chiếm 51,9% với xấp xỉ 12.000 trang trại. Trong đó, trang trại gia công cho các doanh nghiệp FDI từ 22,9% năm 2016 tăng lên 30,8% năm 2018 với 3.000 trang trại, trung bình khoảng 1.500 đầu lợn/trại.
Từ con số trên có thể thấy, khi ngành chăn nuôi lâm vào khủng hoảng từ cuối năm 2016, cả năm 2017 và quý 1/2018, mặc dù ngành chăn nuôi liên tục kêu gọi giảm đàn nái, các trang trại, doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vẫn tăng đàn, tăng nái theo lộ trình kế hoạch họ đề ra, chỉ có khu vực chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm thật bởi không chịu được lỗ hoặc trong tình trạng cạn vốn.
Mức giá 45.000 – 48.000 đồng là tốt cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại và cả người tiêu dùng
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang khẳng định, việc giá lợn hơi ở miền Bắc và miền Nam đều hạ nhiệt trong nửa tháng qua sau lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT là rất đáng mừng, nhưng mới chỉ giúp quá trình vận hành của cơ chế thị trường diễn ra sớm hơn thôi chứ không làm thay đổi nội tại cung – cầu chăn nuôi lợn hiện nay.
Bởi theo ông Vang, mặc dù đầu lợn giảm nhưng do tỉ lệ đàn lợn ngoại tăng, biểu cân/đầu lợn tăng nên sản lượng thịt lợn từ 2016 đến nay tăng xấp xỉ 2%, trong khi việc bán lợn hơi sang Trung Quốc gần như chấm dứt nên không có lý do gì để có giá lợn hơi cao nhất ngưởng trên 54.000 – 56.000 đồng như vừa qua.
Với giá thành chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay khoảng 37.000 – 39.000 đồng/kg lợn hơi, ông Vang cho rằng mức giá 45.000 – 48.000 đồng là hợp lí, tốt cho cả người chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại và người tiêu dùng. Vấn đề hiện nay là làm sao để duy trì được giá lợn hơi xoay quanh trục 45.000 – 48.000 đồng/kg mới là điều cần phải bàn.