1ha cho thu lãi 3 triệu đồng/ngày
Là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng măng tây xanh ở Phú Xuyên, ông Tạ Đình Căn (ở xã Hồng Thái) hiểu hơn ai hết về hiệu quả kinh tế cũng như công dụng ưu việt của loại cây mới này. “Măng tây xanh là loại cây khá dễ tính trong trồng trọt xanh. Hạt giống sau khi ươm trong bầu khoảng 3 tháng là có thể mang ra trồng. Sau 6 tháng trồng có thể thu hoạch với mức trung bình 2 kg/sào/ngày. Với giá bán trung bình 80.000 – 100.000 đồng/kg như hiện nay, cây măng tây xanh đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trong xã” – ông Căn nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng măng tây tại huyện Phú Xuyên. ảnh: T.T.T.Đ
Ông Căn cho biết thêm, gia đình ông đang trồng hơn 7 sào măng tây xanh. Kỹ thuật trồng măng tây xanh không quá phức tạp, sau khi ươm giống trong bầu khoảng 3 tháng thì mang ra vườn trồng. Trước khi trồng, phải lên luống 30cm, bón lót bằng phân chuồng hoai mục; mỗi hốc trồng 1 cây, khoảng cách giữa cây với cây 40 - 50cm, hàng cách hàng 70 - 80cm; có thể trồng 550 - 700 gốc/sào. Trên diện tích 7 sào đất, gia đình ông Căn trồng được 3.500 gốc. “Hiện mỗi ngày tôi thu về trên 1 triệu đồng từ 7 sào măng. Đó là chưa kể năng suất măng sẽ tăng lên theo từng năm, vì thế lợi nhuận thu được từ giống “rau vua” này không hề nhỏ, chỉ cần thu hoạch 1 vụ là đã hoà vốn” – ông Căn tiết lộ.
Cùng xã với gia đình ông Căn, gia đình bà Phạm Thị Điệu-chủ vườn măng tây xanh 1ha ở thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái chia sẻ: "Mỗi ngày tôi thu được trung bình từ 60 – 70kg măng, trừ các khoản chi phí, gia đình lãi khoảng 3 triệu đồng/ngày”.
Không nên tùy tiện mở rộng diện tích
Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT) cho biết, Hà Nội hiện có hơn 6ha măng tây xanh, được trồng chủ yếu tại 2 huyện Phú Xuyên và Phúc Thọ. Mặc dù măng tây xanh đã được trồng tại Hà Nội từ 4-5 năm nay, nhưng đây vẫn được coi là loại cây trồng mới.
Ông Tạ Đình Căn
“Trên thị trường, măng tây hiện được xem là loại rau sạch, có giá trị dinh dưỡng cao nên được người tiêu dùng Thủ đô cũng như cả nước rất ưa chuộng. Do đó, người trồng loại rau này ở Hà Nội vẫn tiêu thụ tốt và được giá cao. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo nông dân không tùy tiện mở rộng diện tích, nhất là khi chưa được thành phố định hướng quy hoạch và dự báo thị trường” – bà Thoa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Chi – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, huyện xác định măng tây xanh là cây trồng mũi nhọn trong hướng phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương. Để trồng măng tây xanh, nông dân gặp không ít khó khăn bởi giá giống cao (15.000 đồng/cây giống), chi phí để trồng một sào măng tây xanh lên đến 30 triệu đồng. “Khó khăn của người nông dân Phú Xuyên đã được tháo gỡ kịp thời khi UBND thành phố quyết định hỗ trợ Phú Xuyên 30.000 hạt giống măng tây xanh nhập từ Hà Lan. Dự kiến, trong tháng 3.2017, lô hạt giống măng tây xanh sẽ về tới Hà Nội” – ông Chi chia sẻ.
Măng tây xanh có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ảnh: I.T
Ông Trần Công Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho hay, ngay khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, huyện đã thành lập ban chỉ đạo triển khai dự án, đồng thời xây dựng dự kiến kế hoạch hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đối với đơn vị trực tiếp thực hiện dự án. Huyện cũng giao nhiệm vụ cho Phòng Kinh tế hoàn tất các thủ tục thành lập mới HTX măng tây xanh. Trước mắt, huyện đang khuyến khích, vận động các hộ đã có kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật tốt trồng măng tây xanh tham gia vào HTX mới.
Hiện tại, trên cơ sở diện tích đã trồng 1,76ha tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên đã tổ chức nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng về chất đất, nguồn nước và các điều kiện xây dựng mô hình sản xuất măng tây xanh an toàn. Trước đó, thành phố cũng giao nhiệm vụ cho đơn vị chức năng về địa phương lấy mẫu đất, mẫu nước gửi sang Hà Lan để kiểm tra. Kết quả, các mẫu đất, mẫu nước đều đạt chỉ số an toàn, phù hợp để trồng măng tây xanh.