dd/mm/yyyy

Trồng gừng trên đá, dân nghèo "rủng rỉnh" tiền

Trong những năm qua, điểm vùng cao Lục Khu (tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn huyện Hà Quảng, Cao Bằng) đã có những bước chuyển mình rõ rệt, thu nhập của đồng bào không ngừng tăng lên.

Để tìm sinh kế cho người dân, trong những năm qua chính quyền huyện Hà Quảng đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp, trong đó có trồng gừng.

Vùng đất khát

Với địa hình chia cắt bởi những dãy núi đá cao, thời tiết khắc nghiệt, Lục Khu từng được mệnh danh là "vùng đất khát" của Cao Bằng. Thế nhưng, đến Lục Khu hôm nay, có thể cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của vùng đất này với màu xanh bạt ngàn của cây gừng vẫn đang sinh sôi, phát triển.

Trồng gừng trên đá, dân nghèo "rủng rỉnh" tiền - Ảnh 1.

Với lợi thế từ thiên nhiên, diện tích trồng gừng hữu cơ ở huyện Hà Quảng không ngừng được tăng lên sau mỗi năm. Song song với đó là tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Quảng đã giảm từ 96% xuống 66%.

Trò chuyện với phóng viên, anh Trương Văn Lần, người dân tộc Nùng (xã Cải Viên, Hà Quảng) cho biết: "Đồng bào chúng tôi nơi đây còn khó khăn, khô hạn quanh năm, đường xá đi lại rất vất vả…Tuy nhiên từ khi chuyển sang trồng cây gừng không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ trong thôn đã có thu nhập hơn trước".

Theo tìm hiểu, đa phần các xã của Lục Khu trước đây đều phụ thuộc vào chăn nuôi, diện tích đất đều xen lẫn với đá, tình trạng thiếu nước diễn ra quanh năm, bởi vậy để phát triển trồng trọt gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2016 chính quyền huyện Hà Quảng đã vận động người dân khai hoang để phát triển trồng trọt, tạo sinh kế cho đồng bào, trong đó ưu tiên phát triển trồng gừng làm cây mũi nhọn. Theo người dân địa phương cây gừng rất phù hợp với địa hình nơi đây, điều kiện thiên nhiên cũng rất thuận cho cây phát triển.

Cũng trong năm 2016, Công ty DACE đã thử nghiệm và đánh giá vùng đất Lục Khu rất phù hợp để trồng gừng hữu cơ. Sau giai đoạn đầu trồng thử nghiệm thành công, Công ty DACE đã ký hợp đồng hợp tác bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng gừng, dần dần đã thành lập các tổ để trao đổi kỹ thuật, giúp đỡ nhau trong sản xuất.

Gia đình anh Trương Văn Lần, là một trong những hộ gia đình tham gia hợp tác trồng gừng hữu cơ và ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty DACE đầu tiên ở xã Cải Viên, đến nay với diện tích gần 3.000m2 trồng gừng hữu cơ và với giá 13.000 đồng/kg công ty DACE thu mua, mỗi năm trừ chi phí, anh Lần có thu nhập 50 – 70 triệu đồng.

"Cây gừng đặc biệt rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại đây, quanh năm chẳng phải lo nguồn nước, khí hậu thì mát mẻ nên cây gừng phát triển rất tốt, một năm chỉ bỏ phân chuồng một lần" - anh Lần chia sẻ.

Anh Lần nói thêm: "Ngày trước nhà tôi rất khó khăn, đứa con gái đầu đã phải nghỉ học vì gia đình nghèo quá. Giờ đây với thu nhập từ trồng gừng cuộc sống gia đình đã ấm no hơn, hai đứa con sau của tôi đã được đến trường, tôi mừng lắm…."

Trồng gừng - Cây "xóa đói giảm nghèo"

Chia sẻ với phóng viên, ông Lưu Trọng Hính – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hà Quảng cho biết: "Chỉ sau hơn 3 năm, đến nay vùng cao Lục Khu đã phát triển trên 200ha gừng trâu, vụ gừng năm nay năng suất đạt từ 25 – 30 tấn/ha, có những xã đạt 35 tấn/ha, trừ chi phí người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng, cao gấp 6 lần trồng ngô".

Trồng gừng trên đá, dân nghèo "rủng rỉnh" tiền - Ảnh 2.

Số hộ dân tham gia trồng gừng hữu cơ ở Lục Khu không ngừng được tăng lên, theo định hướng của huyện Hà Quảng đến năm 2025 diện tích trồng gừng hữu cơ là 500ha.

Tương tự như gia đình anh Lần, gia đình anh Trương Văn Đại, người dân tộc Nùng (xã Cải Viên, Hà Quảng) mỗi năm đã có thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ trồng gừng hữu cơ.

Nói về chất lượng gừng ở Lục Khu, ông Trần Văn Hiếu – Giám đốc Công ty DACE cho biết: "đây là vùng núi đá, không có mạch nước ngầm, quanh năm chỉ phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nhưng ở đây thời tiết mát lạnh nên sáng sớm thường có sương rất nhiều, bởi vậy cây gừng phát triển tốt. Nhờ thổ nhưỡng và thời tiết ưu đãi đã tạo ra chất lượng gừng với hương vị đặc biệt".

Vẫn theo ông Hiếu, "trong đất có lẫn đá nên giúp giữ ẩm cho đất, đồng thời cung cấp các vi lượng, khoáng sẽ tạo ra mùi vị đặc trưng. Gừng sau thu mua của bà con được chuyển về nhà máy chế biến, chiết xuất và được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản..." - ông Hiếu nói thêm.

Với lợi thế từ thiên nhiên, diện tích trồng gừng hữu cơ ở huyện Hà Quảng không ngừng được tăng lên sau mỗi năm. Song song với đó là tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Quảng đã giảm từ 96% xuống 66%. "Mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng theo chuỗi đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là lời giải của bài toán giảm nghèo bền vừng khi Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ"- ông Hính chia sẻ.

"Để xây dựng chiến lược vùng nguyên liệu gừng hữu cơ, huyện Hà Quảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích lên 500ha và dài hạn đến 2030 là 1.000ha. Kế hoạch, mục tiêu cho chiến lược phát triển trồng gừng hữu cơ đã được huyện Hà Quảng đưa vào nghị quyết để triển khai thực hiện và coi đây là cây xóa đói giảm nghèo", ông Hính thông tin.

Bài, ảnh: Minh Ngọc