Đến bản Chiềng Ban 2 (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) vào những ngày tháng 4, khi các ruộng bí xanh đang mùa cho thu hoạch, chúng tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp, phấn khởi của bà con lẫn thương lái thu mua bí xanh nơi đây. Tuy mới đầu vụ nhưng nhiều hộ dân trong bản đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ bí xanh.
Nhận thấy cây bí xanh dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với thổ nhưỡng, nhiều nông dân ở bản Chiềng Ban 2 (xã Tú Nang, huyện Yên Châu) đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Theo người dân ở đây, bí xanh được trồng từ cuối tháng Giêng âm lịch, đến cuối tháng 4 âm lịch bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm bí bắt đầu leo giàn, ra nhánh và ra hoa là thời điểm quan trọng, ảnh hưởng đến giai đoạn quả, bà con nông dân tập trung bón phân, vun gốc, sửa sang lại giàn để đảm bảo cho cây phát triển thuận lợi.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vì Văn Hải, bản Chiềng Ban 2 (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), chia sẻ: "Trước kia gia đình tôi trồng lúa, chi phí đầu tư cao mà hiệu quả mang lại rất thấp. Sau đó, tôi mạnh dạn chuyển gần 5000m2 đất lúa sang trồng bí xanh. Với diện tích đó, mỗi vụ gia đình tôi thu được trên 30 tấn quả, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng".
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây bí xanh, anh Hải cho biết: Để cây bí xanh phát triển tốt thì người trồng phải nắm vững các kỹ thuật chăm sóc cây. Sau khi trồng, cần bón thúc 3 lần, lần 1 khi cây có 2 lá thật, bón hoặc tưới 25% đạm kết hợp xới vun nhẹ vào gốc. Bón thúc lần 2 khi cây có 5 - 6 lá thật, xới rộng sâu, bón 25% đạm + 25% kali. Bón thúc lần 3 khi chuẩn bị làm giàn bón nốt lượng phân còn lại. Hướng ngọn bí ở hốc này bò sang hốc kia sau mới nương dây cho leo giàn.
Khi cây bí dài 1m trở lên thì cho leo giàn, giàn làm bằng cột bê tông hoặc thân cây tre. Khi dây leo cần để ở tư thế tự nhiên, không vặn úp hoặc lật dây, dùng dây chuối hoặc rơm nếp buộc gọn vào giàn. Chú ý buộc ở phía dưới nách lá. Bắt dây chéo chữ chi cho đều giàn và khỏi che rợp hoa, quả. Mỗi cây để 2-3 nhánh chính, mỗi nhánh để 2-3 quả. Đặt cho cuống quả nằm đúng ô của lưới để khi quả lớn không làm xô dây, tụt giàn.
Bên cạnh đó, cần chú ý thực hiện chế độ vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ lá già, lá bệnh, xử lí kịp thời tạo điều kiện môi trường thông thoáng. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại và phun thuốc phòng trừ sớm, anh Hải cho biết thêm.
Đứng bên những luống bí xanh ngắt, sai trĩu quả đã đến ngày cho thu hoạch, anh Hoàng Văn Đông, bản Chiềng Ban 2 (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) phấn khởi nói: "Trồng bí xanh không khó, nhưng mất khá nhiều thời gian chăm sóc như tưới nước, dựng giàn, tỉa nhánh, chăm bón. Bù lại, trồng cây này đem lại thu nhập kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Có lẽ vì hợp thời tiết, thổ nhưỡng nên cây bí xanh ở đây phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả tốt và được nhiều người biết đến. Năm nay, ruộng bí xanh của gia đình tôi dự kiến cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả, trừ chi phí thu về khoảng 80 triệu đồng".
Ông Lường Văn Quán, Trưởng bản Chiềng Ban 2 (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: Bản Chiềng Ban 2 có 100 hộ thì có gần một nửa số hộ trồng cây bí xanh. Diện tích trồng bí xanh của cả bản khoảng trên 10 ha, trong đó mỗi hộ trồng từ 4000 - 5000 m2. Hiện tại, thương lái thu mua bí xanh với giá dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg tại ruộng. Cây bí xanh đã góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, trong bản có hàng chục hộ đạt thu nhập bình quân từ 80 triệu đến trên 100 triệu đồng/năm như hộ anh Vì Văn Hải, Vì Văn Sơn, Hoàng Văn Đông, Vì Văn Tuấn,…".
Ông Lò Văn Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tú Nang (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: "Bí xanh mới được người dân ở bản Chiềng Ban 2 đưa vào trồng trong vài năm gần đây, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho người dân. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả của mô hình này cho nông dân ở địa phương. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hội viên Hội Nông dân và tham mưu cho cấp ủy trong việc định hướng quy hoạch lại đất sản xuất với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp hộ dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế theo hướng bền vững".
Tiềm năng phát triển cây bí xanh là rất lớn. Hy vọng, trong tương lai không xa, mô hình trồng bí xanh ở bản Chiềng Ban 2 và các bản lân cận của xã Tú Nang (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) sẽ được nhân rộng, mang lại nguồn lợi kinh tế lâu dài, bền vững cho bà con nơi đây. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng ở địa phương, tăng nguồn thu nhập và vươn lên làm giàu cho nhiều hộ dân trong xã.