dd/mm/yyyy

Trồng 5ha chè, thuê từ A đến Z, một nông dân “đút túi” gần 400 triệu đồng/năm

Sở hữu đồi chè rộng 5ha, một nông dân ở Lai Châu không phải động tay, động chân gì cả, mà mỗi năm “đút túi” hơn 300 triệu đồng.

Đó là lão nông Lê Duy Phúc (62 tuổi) ở khu 26 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Tất cả các khâu, từ làm cỏ, bón phân cho đến thu hái chè tươi, ông đều thuê cả. Ông chỉ bận bịu mỗi việc đếm tiền, sau mỗi lần cân chè cho nhà máy chế biến ở địa phương.

Trò chuyện với ông Phúc, được biết: Hai vợ chồng ông Phúc đều là công nhân Công ty chè Than Uyên (nay là Công ty CP trả Than Uyên). Năm 1995, ông Phúc mạnh dạn nhận 5ha đất để trồng chè theo dự án 327. Thấy ông nhận đất trồng chè, nhiều người bảo ông Hâm, không biết tính toán. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của người khác, ông Phúc không tiếc công sức cày đất để trồng chè.

Trồng 5ha chè, thuê từ A đến Z, ông nông dân này “đút túi” gần 400 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Ông Lê Duy Phúc, khu 26, thị trấn Tân Uyên trồng chè từ năm 1995.

"Năm 1995, Công ty Chè Than Uyên cấp đất cho mọi người để trồng chè theo dự án 327, nhưng không ai chịu nhận, Thấy khu đất rộng rãi, bằng phẳng, tiếc "của giời" tôi liền đứng ra nhận để trồng chè. Lúc đó, nhiều người bảo tôi dở hơi, đang yên đang lành lại rước "của nợ" vào mình. Mặc kệ người ta nói ra, nói vào, tôi ngày ngày dắt trâu ra khu đất đó để cày, rồi đưa cây chè vào trồng. Sau 2 năm, tôi đã trồng xong 5ha chè. Giống chè tôi trồng là giống chè Shan Tuyết" – ông Phúc nhớ lại.

Theo ông Phúc, cây chè là là cây lâu năm. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất 5 năm. Vì là công nhân Công ty Chè Than Uyên, nên vợ chồng ông Phúc không có nhiều thời gian để chăm sóc nương chè của gia đình. Trong thời kì kiến thiết cơ bản của cây chè, ông Phúc mua ngô giống về cấp không cho một số hộ dân trong vùng và cho họ mượn đất trống giữa các hàng chè để trồng ngô. Điều kiện ông đưa ra cho người dân mượn đất là phải làm cỏ trên nương chè giúp ông. Không mất tiền mua giống, cũng không phải trả tiền thuê đất, nhiều người dân đã mượn đất của ông để trồng ngô, đậu tương. Nhờ đó, nương chè của gia đình ông lúc nào cũng sạch cỏ, sinh trưởng phát triển tốt.

Trồng 5ha chè, thuê từ A đến Z, ông nông dân này “đút túi” gần 400 triệu đồng/năm - Ảnh 2.

Ông Phúc sử dụng chế phẩm sinh học để phun cho cây chè.

Đến năm 2000, gia đình ông Phúc mới bắt đầu có thu nhập từ nương chè, nhưng cũng không đáng là bao. Năng suất, sản lượng chè búp tươi thấp, giá bán cũng không cao, song ông Phúc vẫn kiên trì bám trụ vào nương chè của gia đình. Những năm trước, gia đình ông Phúc chủ yếu sử dụng phân hóa học để bón cho nương chè. Đến năm 2014, ông Phúc mạnh dạn mua phân gà về ủ với men vi sinh, sau đó bón cho cây chè. Năng suất, sản lượng chè búp tươi của gia đình ông có sự đột biến từ đó, tăng gấp nhiều lần so với trước. Đây cũng là thời điểm giá thu mua chè búp tươi trên điạ bàn huyện Tân Uyên tăng lên. Sản lượng chè tươi tăng, giá bán cao hơn, kéo theo thu nhập từ nương chè của gia đình ông Phúc cũng tăng lên trông thấy.

Trồng 5ha chè, thuê từ A đến Z, ông nông dân này “đút túi” gần 400 triệu đồng/năm - Ảnh 3.

Theo ông Phúc, cứ mỗi kg chè tươi bán ra thị trường với giá 5.500 đồng, ông lãi từ 2000 - 2300 đồng.

"Khi mua xe phân gà đầu tiên, vợ tôi cứ giẫy nẩy, bảo rằng "ném tiền qua cửa sổ". Giải thích mãi, vợ tôi mới nguôi ngoai phần nào. Xe phân gà đó cũng chỉ đủ bón cho 2ha chè. Kết quả là, diện tích chè được "ăn" phân gà phát triển xanh tốt hơn hẳn những nơi khác. Thời gian cho thu hái cũng ngắn hơn. Đối với ô chè sử dụng phân hóa học thì phải mất 7 ngày mới được 1 lứa hái, còn với những ô chè bón phân gà, thì khoảng thời gian giữa 2 lứa hái chỉ có 5 ngày. Từ đó trở đi, năm nào tôi cũng dùng phân gà bón cho nương chè" – ông Phúc cho hay.

Mỗi năm, ông Phúc cho nương chè "ăn" phân gà 1 lần, liều lượng khoảng 10 tấn/ha. Ông Phúc bón phân gà cho nương chè vào thời điểm trước khi đốn chừng 1 tuần. Ngoài sử dụng phân gà bón cho cây chè, cứ sau mỗi lần hái ông Phúc lại cho chúng "ăn" phân NPK một lần. Để đảm bảo chất lượng chè búp tươi, ông Phúc chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, để phun phòng trừ sâu bệnh cho cây chè. Thời gian gần đây, ông Phúc còn sử dụng chế phẩm sinh học EMINA để phun cho cây chè. Cứ sau mỗi lần hái máy (khoảng 45 ngày) ông Phúc sử dụng chế phẩm sinh học phun cho cây chè 3 lần.

Trồng 5ha chè, thuê từ A đến Z, ông nông dân này “đút túi” gần 400 triệu đồng/năm - Ảnh 4.

Nương chè nhà ông Phúc rộng 5ha, năng suất đạt 35 tấn chè búp tươi/ha.

Theo ông Phúc, loại chế phẩm sinh học này rất tốt cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Sử dụng chế phẩm EMINA giúp cho cây chè nhanh hồi phục, sạch và kích thích bật búp.

"Từ nhiều năm nay, tôi không trực tiếp chăm bón chè, mà thuê từ A đến Z. Tất cả các khâu, từ làm cỏ, bón phân, thu hái chè tôi đều thuê cả. Tôi hướng dẫn họ kĩ thuật chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hái chè làm sao để nương chè sinh trưởng, phát triển tốt và đảm bảo chất lượng. Nương chè của gia đình tôi luôn phát triển xanh tốt, cho năng suất bình quân khoảng 35 tấn chè búp tươi/ha. Bán chè búp tươi với giá như hiện nay, khoảng 5500 đồng/kg, thì mỗi héc ta chè tôi cũng thu gần 200 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí, mỗi năm tôi lãi gần 400 triệu đồng, mà không phải vất vả gì cả" – ông Phúc vui vẻ nói.

 

Thanh Văn - Thúy Hạnh