dd/mm/yyyy

Trang trại sạch và hệ lụy xấu từ việc bị đánh đồng

TS.Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho rằng, dù có tiêu chí cho trang trại sạch nhưng nếu vẫn còn tình trạng sản xuất không sạch, sẽ dẫn tới sản phẩm bẩn và sạch bị đánh đồng với nhau.

Thưa ông, hiện nay nhu cầu được sử dụng sản phẩm sạch của người dân ngày càng cao, các chủ trang trại cũng bắt đầu quan tâm hơn với vấn đề này. Vậy chúng ta đã có tiêu chí nào về trang trại sản xuất sạch, an toàn chưa?

Hiện nay, chúng tôi vừa được giao xây dựng Dự thảo Nghị định về trang trại và đã trình lên Chính phủ phê duyệt, trong đó có điều kiện về sản xuất sạch.

Tuy nhiên, theo tôi thì không chỉ riêng trang trại mới cần có tiêu chí an toàn mà tất cả những người sản xuất, dù chỉ là sản xuất một mớ rau để mang đi bán, cũng phải đảm bảo an toàn.

Tiến sỹ lê đức thịnh (tư liệu).

Từ trước tới nay, vấn đề an toàn được quy định theo đối tượng sản xuất, ví dụ đối với vật nuôi như lợn thì có các sản phẩm đầu vào, bao gồm thức ăn, quy trình chăn nuôi như thế nào; tương tự đối với trồng trọt, việc sử dụng giống, nước tưới, phân bón…cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.

Theo đó, các trang trại sản xuất quy mô lớn cần phải đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn cao hơn các hộ sản xuất nhỏ lẻ vì số lượng sản phẩm của các trang trại làm ra luôn nhiều hơn.

“Theo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tới đây số lượng trang trại sẽ tăng lên rất nhiều và các trang trại sẽ được hỗ trợ đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu, tức là hỗ trợ sản xuất sạch với mức 100 triệu đồng và được hưởng thụ 1 lần”. TS. Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Ông có thể cho biết Dự thảo Nghị định về trang trại có những điểm nổi bật gì và tiêu chí trang trại sạch có được quy định là tiêu chí “cứng” hay không?

Nội dung của Dự thảo có 2 mảng chính: Thứ nhất, tiêu chí để công nhận trang trại đã được thay đổi và mở rộng. Trước đây, trong Thông tư 27 ban hành năm 2011 của Bộ NNPTNT quy định các tiêu chí về trang trại vẫn còn hạn chế là dựa quá nhiều vào quy mô đất đai, trong khi có nhiều loại hình trang trại không cần nhiều đất đai nhưng vẫn hoạt động hiệu quả và tỉ trọng lớn. Một yếu tố khác nữa là các tiêu chí của trang trại cũng phải đảm bảo không vi phạm các quy định thực hành về an toàn vệ sinh thực phẩm như: sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc BVTV hay vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Nếu các trang trại đảm bảo được tiêu chí như Dự thảo thì họ sẽ được hưởng lợi những gì thưa ông?

Theo nguyên tắc, Dự thảo Nghị định sẽ không hỗ trợ các chính sách đã có như Nghị định 55 và các chính sách lồng ghép hỗ trợ kinh tế trang trại trước đó. Sau khi rà soát các chính sách hiện hành, Dự thảo Nghị định chỉ đưa ra 3 nhóm chính sách chính, bao gồm: Khuyến khích tích tụ đất đai; Hỗ trợ lãi suất và Hỗ trợ đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu...

Trao đổi về quy trình chăm sóc tại Trang trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình, xã Cẩm Đình, Phúc Thọ (Hà Nội). T.X

Hiện nay, các trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có rất nhiều. Ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển này?

Đúng là ngày càng có nhiều trang trại sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương tự được công nhận. Nếu xét về mặt lợi thế thì cũng có lúc, có nơi họ tạo được thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, về mặt chính sách, cũng đã có chính sách hỗ trợ sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng khi triển khai lại gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, việc thực hiện quy trình VietGAP có chi phí rất cao, phức tạp với hơn 60 tiêu chí. Hiện nay đã giảm xuống còn hơn 20 tiêu chí nhưng chi phí vẫn cao và chỉ được công nhận trong thời gian 2 năm. Sau 2 năm phải chứng nhận lại. Nếu bán được sản phẩm VietGAP với giá cao thì không vấn đề gì, nhưng vấn đề hiện nay là làm VietGAP cũng bị “đánh đồng” như các sản phẩm thông thường khác trên thị trường nên người ta mới không có động lực để sản xuất sạch. Ngoài ra, các trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cũng chỉ được hỗ trợ cho năm đầu tiên, các năm sau chủ trang trại phải bỏ tiền túi ra, nhưng do việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP không thuận lợi, giá bán không như mong muốn nên nhiều chủ trang trại hiện không còn mặn mà với sản xuất VietGAP.

Theo ông, trước những khó khăn đó, có cần xây dựng quy định riêng về tiêu chuẩn VietGAP cho trang trại?

Tôi cho rằng, nếu các trang trại đều ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì nông sản sẽ an toàn, nhưng trước mắt chỉ cần đưa ra 3-4 tiêu chí để dễ theo dõi, dễ thực hiện và đỡ “cồng kềnh” cho các chủ trang trại. Tức là phải xây dựng lại một bộ tiêu chí tối thiểu thực hành tốt cho các trang trại để họ dễ áp dụng nhất, sau khi có các tiêu chí này thì yêu cầu trang trại phải đạt được tiêu chuẩn tối thiểu đó mới được công nhận là trang trại.

Đặc biệt, ngoài sản xuất thì hệ thống phân phối, hệ thống kiểm soát cũng cần được nâng cao để khi các trang trại đã sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP rồi phải được đưa sản phẩm vào chỗ có giá bán cao hơn, xứng đáng với công sức sản xuất sạch thì mới khuyến khích được các chủ trang trại sản xuất theo thiêu chuẩn sạch VietGAP.

Tất nhiên, an toàn là của toàn xã hội chứ không chỉ riêng các chủ trang trại và ngược lại, nếu trang trại làm tốt, sản xuất sạch rồi mà ngoài trang trại không làm thì ra thị trường sẽ tiếp tục bị đánh đồng giữa  sạch và bẩn, hệ quả là chẳng ai muốn sản xuất sạch nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến chủ trang trại:

Thiếu vaccine, thuốc khử trùng

Chủ trang trại Phùng Ngọc Vĩnh (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội): Tôi thành lập Trang trại lợn Sen Trì từ tháng 5.2012, được chứng nhận VietGAP năm 2014. Đây là mô hình chăn nuôi lợn hương quy mô lớn đầu tiên của thành phố Hà Nội (lợn hương có đặc điểm gần giống lợn Móng Cái, có chất lượng thịt mềm, ngọt. Lợn hương thường ăn nhiều các loại cây, rau dược liệu nên thịt ngon, có mùi thơm đặc trưng). Với quy mô chuồng trại 5.000m2, tôi nuôi hơn 300 con lợn hương. Dù đã được nhà nước hỗ trợ thuốc và vaccine 2 lần/năm nhưng vẫn chưa đủ với trang trại. Bởi vậy, có những đợt tôi phải bỏ tiền túi để mua thêm vaccine phòng bệnh. Gần đây nhất là vaccine tai xanh, tôi được hỗ trợ 100 liều nhưng vẫn không dám tiêm cho đàn lợn bởi không đủ thuốc. Vaccine lở mồm nong móng thì không bán trên thị trường nên phải nhờ người quen mua bên Cục Thú y. Thuốc khử trùng dùng trong chuồng trại, mỗi lần cũng chỉ đặt mua được 5 lít nên xử lý chuồng trại 2 lần/tuần vẫn thiếu.

Chúng tôi đang “đói” vốn

Anh Lưu Văn Chinh (thôn Đồng Sáo, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc): Gia đình tôi đã đầu tư phát triển trang trại rộng 20.000m2 gần 10 năm nay, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. Tôi đang dự định tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại để tăng số lượng đàn vật nuôi, cây trồng theo hướng đạt chuẩn trang trại, nhưng thiếu vốn nên đành chịu. Làm trang trại phải đầu tư rất nhiều, càng là trang trại lớn thì đồng vốn càng cao. Trong khi đó, để được vay vốn ngân hàng, trang trại phải đạt chuẩn theo quy định của nhà nước với những điều kiện rất chặt chẽ về diện tích, doanh thu, tài sản thế chấp... Nhìn chung, thủ tục làm việc với các ngân hàng hiện rất phức tạp, kỳ hạn trả nợ lại sớm, trong khi nếu vay được thì cũng chỉ vài chục triệu, không thấm vào đâu. Để có vốn san đất, mua giống, thức ăn chăn nuôi, hầu hết chúng tôi đều vay tiền của anh em, bạn bè hoặc vay nóng bên ngoài. Qua Trang Trại Việt, tôi rất mong những khó khăn của mình được ngân hàng biết đến, từ đó có cơ chế để các chủ trang trại tiếp cận với đồng vốn dễ dàng hơn.

Khó chứng minh sản phẩm sạch

Anh Nguyễn Văn Trung (thôn Tân Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội): Tôi đang có đàn đà điểu gần 600 con. Ngoài chăn nuôi tại trang trại của gia đình, tôi còn bán con giống cho các hộ lân cận và thu mua lại sản phẩm. Tôi cũng đã xây dựng cửa hàng bán thịt đà điểu thương phẩm, tuy nhiên việc lên kế hoạch quảng bá sản phẩm, làm bao bì nhãn mác, đóng gói thức ăn đã sơ chế để xây dựng thương hiệu thịt đà điểu thì tôi vẫn khá lúng túng, do tôi chưa được tiếp xúc nhiều với thông tin thị trường. Trong bối cảnh đó, thông tin về chất cấm, thực phẩm “bẩn” xuất hiện càng khiến việc khẳng định sản phẩm của tôi thêm khó khăn.
(Hồng Vũ)
Thanh Xuân