dd/mm/yyyy

Trà Vinh: Bí kíp trồng dừa chưa kịp ra trái đã "hái" ra tiền

Theo truyền thống nguồn thu chính của người trồng dừa là thu hái dừa trái tươi hoặc khô. Nhưng hiện nay có một ý tưởng mới, trồng dừa không để lấy trái mà là lấy mật từ hoa dừa. Đó là mô hình làm giàu khác người của gia đình ông Thạch Mây ở khóm 2 thị trấn Tiểu Cần huyện Tiểu Cần Trà Vinh.


Theo truyền thống nguồn thu chính của người trồng dừa là thu hái dừa trái tươi hoặc khô. Nhưng hiện nay có một ý tưởng mới, trồng dừa không để lấy trái mà là lấy mật từ hoa dừa. Đó là mô hình làm giàu khác người của gia đình ông Thạch Mây ở khóm 2 thị trấn Tiểu Cần huyện Tiểu Cần (Trà Vinh).

Thời gian qua do giá dừa trái không ổn định, cộng với ý tưởng của con gái về chiết xuất mật từ hoa dừa, ông Thạch Mây đã tìm đến tỉnh An Giang tìm hiểu kỹ thuật lấy mật cây thốt nốt và cách sơ chế để về áp dụng trên cây dừa của gia đình.

Vì theo ông Thạch Mây nghĩ giữa cây dừa với cây thốt nốt có những điểm tương đồng trong việc ra hoa và đậu trái.

Trà Vinh: Bí kíp trồng dừa chưa kịp ra trái đã "hái" ra tiền - Ảnh 1.

Khu vườn trồng dừa để lấy mật hoa nguyên liệu của công ty.

Sẵn gia đình hiện có khoảng 15.000m2 vườn dừa đang cho trái, cùng thời gian này người con gái của ông Mây là Thạch Thị Chal Thi cũng vừa tốt nghiệp ra trường với tấm bằng thạc sỹ ngành chế biến thực phẩm, chuyên sâu nghiên cứu về cây dừa.

Từ đó ý tưởng trồng dừa lấy mật đã thành hiện thực-đó là trồng dừa để lấy mật. Tuy nhiên thời gian đầu, để thay đổi tư duy truyền thống từ trồng dừa hái trái sang trồng dừa chỉ để lấy mật, ông Thạch Mây đã phải đối mặt với những khó khăn, thử thách.

Không ít người cho ý tưởng này là "khùng" và bĩu môi nghi ngờ cho đây là một việc làm mạo hiểm.

Trà Vinh: Bí kíp trồng dừa chưa kịp ra trái đã "hái" ra tiền - Ảnh 2.

Công nhân đang trèo dừa để thu hái mật từ hoa.

Nhưng rồi hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng dừa lấy mật mang lại đã trả lời cho tất cả và bước đầu khẳng định ý tưởng táo bạo của gia đình ông Thạch Mây là không sai.

Ông Thạch Mây chia sẻ: "Ban đầu cầm cây dao mà chặt đi bông dừa bỏ để dưỡng cây lấy mật là cả một vấn đề lớn nên mình cũng do dự, đòi hỏi có dám nghĩ, dám làm hay không. Nói chung lúc đầu cũng băn khoăn lắm. Nhưng sau khi lấy được mật nhiều đạt kết quả cao, có hiệu quả kinh tế và được nhà nước và các ngành chuyên môn động viên nên gia đình cũng yên tâm hơn".

Trà Vinh: Bí kíp trồng dừa chưa kịp ra trái đã "hái" ra tiền - Ảnh 3.

Công nhân đang rót mật hoa dừa vừa lấy từ trên cây xuống.

Tuy nhiên bây giờ có nhiều người chưa hiểu nên cho rằng cây dừa khi lấy mật thì sau này sẽ kiệt sức và chết. Qua thực tế lợi nhuận từ việc lấy mật hoa dừa thời gian qua ông Thạch Mây rất an tâm.

Cụ thể một bông dừa sẽ cho thu được từ 20 - 30 lít mật dừa. Vì vậy nếu giá dừa có sốt lên tới 100.000 đồng/chục (12 trái) thì việc lấy mật hoa dừa cũng vẫn có lời hơn.

Như vậy hiện nay nếu gia đình nào khó khăn và đang có chừng 20 - 30 gốc dừa thì cứ yên tâm lấy mật bán, ông Thạch Mây sẵn sàng thu mua với 10.000 đồng/lít.

Trà Vinh: Bí kíp trồng dừa chưa kịp ra trái đã "hái" ra tiền - Ảnh 4.

Công nhân thu mật dừa và vận chuyển mật dừa về công ty sơ chế...

Với ý tưởng sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa, năm 2018 người con gái ông Thạch Mây là Thạch Thị Chal Thi đã tham gia hội thi ý tưởng phát triển khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp do hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh tổ chức và chị đã đạt giải Nhất hội thi.

Năm 2019 này chị lại được Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chứng nhận đề án tiêu biểu khởi nghiệp với sản phẩm giá trị gia tăng từ mật hoa dừa.

Ngoài ra chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng tặng bằng khen cho Thạch Thị Chal Thi có thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp, thanh niên lập thân, lập nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vào tháng 9/2019. Đây là niềm động viên khích lệ tinh thần để cả gia đình ông Thạch Mây tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình.

Trà Vinh: Bí kíp trồng dừa chưa kịp ra trái đã "hái" ra tiền - Ảnh 5.

Vận hành khu chế biến mật hoa dừa của công ty do chị Thạch Thị Chal Thi-con gái ông Thạch Mây điều hành.

Hiện nay gia đình ông Thạch Mây đã mở rộng diện tích trồng dừa thêm 5.000m2, nâng tổng diện tích vườn dừa của gia đình lên 2 ha, chuyên dùng để lấy mật hoa dừa.

Ngoài ra gia đình ông cũng thành lập được công ty chuyên sản xuất, sơ chế và chế biến mật hoa dừa do thạc sĩ Thạch Thị Chal Thi làm giám đốc, với tên thương mại “Công ty TNHH Trà Vinh Farm – gọi tắt là Sok Farm”.

Công ty có trụ sở đặt tại khóm 2 thị trấn Tiểu Cần huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vình và có khu chế biến với quy trình khép kín, với trang thiết bị hiện đại, có kho lạnh bảo  quản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm mật hoa dừa mang thương hiệu của công ty đã được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh và đang được nhiều khách hàng biết đến.

Trà Vinh: Bí kíp trồng dừa chưa kịp ra trái đã "hái" ra tiền - Ảnh 6.

Khu sơ chế, bảo quản và đóng gói thành phẩm mật hoa dừa của công ty.

Có thể nói trồng dừa lấy mật hoa là một mô hình mới, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu, từ chăm sóc, lấy mật và sơ chế, chế biến mật hoa thành phẩm.

Mô hình trồng dừa lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giải quyết cho một số lao động tại địa phương.

Ông Thạch Mây cho biết thêm, hiện giờ nhân công chính thức của công ty là 7 người, nhân công dự phòng là 3 người.

Lương nhân công chính thức vào làm trước là 4,5 triệu đồng/người/tháng chưa tính các loại bảo hiểm. Còn riêng số nhân công mới vào sau này nếu làm tốt công ty sẽ hợp đồng chính thức và sẽ sẵn sàng lo đầy đủ các chế độ như những người vào làm trước.

Trà Vinh: Bí kíp trồng dừa chưa kịp ra trái đã "hái" ra tiền - Ảnh 7.

Ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh trồng dừa lấy mật của chị Thạch Thị Chal Thi đã được UBND tỉnh Trà Vinh tặng Bằng khen.

Do bước đầu thực hiện mô hình trồng dừa lấy mật nên vùng nguyên liệu còn hạn chế, sản phẩm làm ra chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường.

Được biết hiện nay sản phẩm mật hoa dừa của công ty đã có một số siêu thị, công ty trong và ngoài nước đặt hàng, nhưng do số lượng, sản lượng của sản phẩm có hạn nên công ty chưa mạnh dạn nhận các đơn đặt hàng của đối tác.

Để sản phẩm có thể vươn xa hơn trên thị trường, công ty Sok Farm dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng vùng nguyên liệu trồng dừa lấy mật bằng cách thuê vườn dừa của hộ dân để lấy mật và cung cấp đủ sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.


Đang Huyền-Khắc Phú