dd/mm/yyyy

Tìm lại thời vang bóng cho cây hồ tiêu

Việt Nam được coi là cường quốc về xuất khẩu hồ tiêu. Với giá trị đặc biệt của mặt hàng nông sản này nên tư duy sản xuất và thị trường cũng rất khác biệt so với những loại nông sản khác.

Những tưởng người trồng hồ tiêu sẽ làm chủ cuộc chơi, nhưng rồi giá tiêu đột ngột lao dốc, lộ ra những “căn bệnh cố hữu” khiến nông sản Việt Nam khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn.

Quy hoạch vùng trồng hồ tiêu, chú trọng sản xuất tiêu sạch để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là lộ trình đưa hồ tiêu trở về thời hoàng kim.
Quy hoạch vùng trồng hồ tiêu, chú trọng sản xuất tiêu sạch để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là lộ trình đưa hồ tiêu trở về thời hoàng kim.

Vào thời hoàng kim, nông dân trồng hồ tiêu mang hình ảnh khác hẳn so với ấn tượng thường thấy ở nông dân Việt Nam. Họ cập nhật thông tin như thị trường chứng khoán; sử dụng smartphone để kiểm tra giá cả của thị trường thế giới; tự tính toán được sẽ cho phép thương lái bao nhiêu tiền công thu mua.

Thời điểm giá hồ tiêu lên tới 230.000 đồng/kg, cây hồ tiêu được ví: Cây tỉ đô hay vàng đen… Những vùng trồng hồ tiêu lớn xuất hiện rất nhiều tỉ phú, triệu phú. Triển vọng từ cây hồ tiêu đã thắp lên ước mơ đổi đời của bao nông dân. Và nhà nhà trồng hồ tiêu, những cây trồng khác bị đốn hạ để phủ xanh diện tích hồ tiêu.

Nhưng rồi, giá tiêu rớt đáy liên tục, nhiều lô hàng tiêu xuất khẩu bị trả lại vì không đạt tiêu chuẩn... Khi tiêu Việt Nam nắm tới trên 40% thị trường tiêu thế giới, có đủ điều kiện để điều tiết thị trường, nhiều người nghĩ rằng, không có chuyện tư thương ép giá nông dân mà chỉ có chiều ngược lại. Nhưng thị trường đã thể hiện sức mạnh, khi cung vượt cầu, giá tiêu bước vào giai đoạn lao dốc.

Mặt khác, người tiêu dùng luôn có quyền lực: Quyền chọn lựa và quyền từ chối. Trong khi, ngành hồ tiêu ở nhiều quốc gia cũng trỗi dậy với tham vọng mở rộng, chiếm lĩnh thị trường. Lúc này, hồ tiêu Việt Nam bị “đuối sức” trong cuộc cạnh tranh. Do đầu tư nóng vội, sản xuất không theo quy chuẩn dẫn tới sản lượng tăng nhưng chất lượng giảm sút. Nhiều quốc gia là những khách hàng lớn đã phải tăng cường kiểm soát hồ tiêu Việt Nam do lo ngại dư lượng thuốc trừ sâu.

Sang năm 2017, giá tiêu chỉ còn dưới 80.000 đồng/kg. Những vùng trồng tiêu giàu có ngày nào nay chìm trong nỗi buồn thua lỗ, vỡ nợ. Do trồng ồ ạt, chất lượng tiêu giống cũng hạn chế, dẫn tới tiêu mắc bệnh, chết hàng loạt…

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7 năm 2017 ước đạt 19.000 tấn, với giá trị đạt 87 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 145.000 tấn và 800 triệu USD, tăng 20,4% về khối lượng nhưng giảm 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tuy sản lượng tăng nhưng giá trị lại giảm mạnh khi giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5.662,6 USD/tấn, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Để đưa cây hồ tiêu trở lại với “thời vang bóng” không ai khác là những nông dân một nắng hai sương trăn trở trên vườn tiêu. Thay vì mở rộng diện tích ồ ạt bằng việc đầu tư chiều sâu tạo nên những vùng tiêu an toàn; thay vì phó thác thị trường cho thương lái, người trồng tiêu liên kết, hợp tác để chủ động điều tiết thị trường.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đang sát cánh với người trồng hồ tiêu. Những giải pháp và hành động được khẩn trương đưa ra như: Tăng cường rà soát quy hoạch lại vùng tiêu; Triển khai những mô hình trồng tiêu sạch, đạt chuẩn xuất khẩu; Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng những vùng trồng tiêu bền vững...

Trọng đạt