Luật sư Nguyễn Anh Tuấn trao đổi về những quy định trong tích tụ đất đai
Tuy nhiên có số ý kiến cho rằng, mức hạn điền quy định trong Luật đất đai chưa tạo được nền sản xuất quy mô lớn; nếu mở rộng hạn điền để tích tụ đất đai, nông dân bán đất sẽ mất kế sinh nhai… Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn (ảnh) - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam.
Theo quy định hiện hành thì hạn điền được pháp luật quy định thế nào, thưa luật sư?
Hạn điền được hiểu là “hạn mức giao đất nông nghiệp” được quy định tại Điều 129, Luật đất đai 2013. Theo đó:
- Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương.
- Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi…
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Điều 130 của Luật đất đai và hướng dẫn cụ thể tại Điều 44, Nghị định 43/2014/NĐ-CP . Theo đó, mỗi hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất không quá 30 héc ta cho mỗi loại đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối; không quá 300 héc ta đối với đất trồng cây lâu năm…
Thu hoạch lúa tại cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL. Ảnh:Hứa Phương
Theo luật sư, mức hạn điền trên đã tạo điều kiện tốt cho việc áp dụng công nghệ cao và tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp?
Để tạo ra sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh vươn ra thị trường thế giới thì một trong những điều kiện là phải sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nhưng theo quy định nêu trên, nếu tính cả đất được Nhà nước giao và đất nhận chuyển nhượng thì mỗi hộ gia đình cá nhân cũng chỉ được phép sử dụng tối đa 33ha cho mỗi loại đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản. Với diện tích đó thì khó có thể áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào sản xuất.
Để giải quyết vấn đề này, có ý kiến cho rằng cần mở rộng hạn điền. Nhưng đất sản xuất nông nghiệp, Nhà nước đã giao cho hộ gia đình, cá nhân từ năm 1993 theo Nghị định số 64-CP thì làm gì còn quỹ đất để giao thêm? Còn nếu mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì e rằng sẽ có nhiều nông dân bán đất. Khi đó nông dân không còn nguồn sinh kế thì cuộc sống của họ sẽ rất bấp bênh.
Tuy nhiên trên thực tiễn, không ít trường hợp nông dân làm ăn kém hiệu quả nên bỏ ruộng; ngược lại có nhiều người có vốn, có kiến thức, có kinh nghiệm sản xuất có nhu cầu mở rộng diện tích đất để phát triển sản xuất thì lại không có đất. Đó là một nghịch lý.
Vậy làm thế nào để có thể giải quyết được những mâu thuẫn giữa việc tích tụ ruộng đất với việc đảm bảo quyền lợi của nông dân?
Trên thực tế những năm qua, đã có nhiều mô hình tích tụ ruộng đất mang lại hiệu quả rõ rệt, nông dân không bị mất đất, thu nhập ổn định và doanh nghiệp cũng có điều kiện phát triển sản xuất. Việc tích tụ ruộng đất thông qua các hình thức: Cho thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thời hạn. Để thực hiện việc này, mỗi nơi có cách làm khác nhau nhưng luôn đảm bảo nguyên tắc: Doanh nghiệp là người thuê đất, chính quyền là trọng tài còn nông dân vẫn “nắm đằng chuôi.”
Làm như thế vừa tích tụ được ruộng đất để phát huy được hiệu quả sản xuất với quy mô lớn mà quyền lợi của người dân cũng được đảm bảo. Tuy nhiên các hình thức tích tụ đất nêu trên là sáng tạo ở các địa phương. Theo tôi cần có một hành lang pháp lý quy định việc tích tụ đất đai.
Đơn cử tại tỉnh Hà Nam, chính quyền đứng ra hợp đồng thuê đất của người dân; sau đó chính quyền, ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại. Người dân vẫn giữ và quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc người dân cho thuê đất hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Cùng với đó, các hộ dân có đất cho thuê sẽ được ưu tiên đào tạo và tuyển dụng vào làm công nhân nông nghiệp cho doanh nghiệp với mức lương ổn định.
Còn tại Thái Bình, việc cho thuê đất được thực hiện trực tiếp trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện giữa doanh nghiệp với người dân. Khi hai bên đạt được thỏa thuận ký kết hợp đồng, chính quyền sẽ xác nhận hợp đồng, đảm bảo cơ sở pháp lý, quyền lợi cho hai bên. Người cho thuê đất được doanh nghiệp tiếp nhận làm việc trong doanh nghiệp.
Ngoài mô hình trên thì người dân có thể góp đất vào hợp tác xã, hoặc xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cùng sản xuất một sản phẩm theo một quy trình. HTX, doanh nghiệp lo bao tiểu sản phẩm.
Không ít ý kiến lo lắng nếu không may doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không thực hiện đúng cam kết hoặc hết thời hạn cho thuê đất, doanh nghiệp chây ỳ không trả lại đất cho dân…lúc đó sẽ giải quyết ra sao?
Hiện nay, mô hình tích tụ ruộng đất cũng như phương thức thực hiện… là do sự sáng tạo của từng địa phương. Bởi vậy theo tôi để thực hiện việc tích tụ ruộng đất một cách căn cơ, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý cho việc tích tụ đất với các hình thức: cho thuê đất; góp đất và nhận chuyển nhượng QSDĐ.
Người dân An Giang thu hoạch lúa. Ảnh Huỳnh Xây
Phải quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia, chế tài xử lý vi phạm (bên thuê, bên cho thuê đất; bên nhận góp, bên góp). Những quy định này phải đảm bảo người dân vẫn là chủ của quyền sử dụng đất, còn bên thuê chỉ có quyền sử dụng mảnh đất đó.
Mặc dù đây là giao dịch dân sự dựa trên sự thỏa thuận của các bên, nhưng do tính chất đặc thù của đất đai nên Nhà nước cần quy định rõ: ai, điều kiện nào được chuyển Quyền sử dụng đất (QSDĐ); mức nhận chuyển nhượng QSDĐ là bao nhiêu…
Bên cạnh đó cần quy định rõ trách nhiệm bố trí việc làm, thu nhập đối với người cho thuê đất, góp đất, chuyển QSDĐ cũng như chế độ chính sách chuyển đổi, đào tạo nghề đối với họ. Có như vậy người dân mới yên tâm với chủ trương tích tụ ruộng đất.
Tóm lại việc tích tụ đất đai để mở rộng quy mô sản xuất là cần thiết. Tuy nhiên cần tính toán kỹ lưỡng để sao cho sản xuất phát triển, nhưng vẫn phải đảm bảo “ người cày có ruộng” và không để hình thành các ông chủ đầu cơ thâu tóm đất đai.
Cảm ơn luật sư!
LS. Nguyễn Anh Tuấn