dd/mm/yyyy

Thu mật ong mùa nghịch, dân Vân Thủy kiếm bộn tiền

Tận dụng diện tích vườn, đồi rừng có nhiều loại hoa, nhiều hộ dân ở xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã phát triển nghề nuôi ong. Với chi phí đầu tư thấp, thu nhập khá… mô hình này đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày, Nùng… ở Vân Thủy thoát nghèo và làm giàu bền vững.

Vân Thủy là một xã miền núi thuộc huyện Chi Lăng, trong vùng có nhiều cánh rừng mọc rất nhiều cây ngũ gia bì (người dân địa phương còn gọi là cây chân chim, mạy tảng), một loại cây theo dân gian có tác dụng như một loại thuốc, giúp làm giảm các cơn ho, phòng ngừa bệnh ung thư, giúp giảm huyết áp…

Một người dân ở thôn Nà Pất kiểm tra đàn ong trước khi quay mật.
Một người dân ở thôn Nà Pất kiểm tra đàn ong trước khi quay mật.

Chính vì vẫn giữ được nguồn hoa rừng tự nhiên phong phú, giá trị cao nên nghề nuôi ong ở đây rất phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Dựa vào đặc điểm đó, người dân Vân Thủy thường khai thác mật ong vào thời điểm cuối năm, với hai loại mật chính: mật hoa rừng và mật ong hoa ngũ gia bì (chỉ khai thác vào tháng 11 và 12 dương lịch).

Giá trị mật ong ở Vân Thủy cao ngoài nhờ sự đặc biệt của nguồn hoa, còn do khác biệt ở thời gian thu hoạch. Giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, ong nơi khác thường “ngủ đông” lại chính là cao điểm ong Vân Thủy cho mật. Mật ong hoa rừng có giá 350.000 đồng/lít, mật hoa ngũ gia bì lên đến 500.000 đồng/lít, đắt vậy nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Chúng tôi đến nhà anh Hoàng Văn Cao, là một trong những hộ nuôi ong đầu tiên ở thôn Nà Phước. Hiện, với khoảng 50 đàn ong, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 200 lít mật. Anh Cao cho biết, nếu như trước đây người dân trong thôn chỉ biết trồng lúa, ngô, trồng rừng… thì hiện nay, nhiều gia đình đã biết phát triển thêm nghề nuôi ong.

Điều kiện nuôi ong ở Vân Thủy có rất nhiều thuận lợi, nhất là không phải di chuyển đàn ong đi nơi khác để tìm kiếm nguồn mật hoa. Mùa xuân thì có hoa của các vườn cây ăn quả như: bưởi, nhãn, vải...; mùa hè, thu có hoa keo, bạch đàn; mùa đông thì có nguồn hoa rừng.

“Riêng cây ngũ gia bì chỉ ra hoa một mùa vào cuối năm nên mật ong làm từ hoa loại cây này rất quý. Lúc này, thời tiết lạnh và khô hanh, cả rừng chỉ có loại cây này nở hoa nên mật ong thu hoạch vào thời điểm này rất có giá trị. Mật ong hoa ngũ gia bì có vị ngọt thanh pha chút đắng nhẹ về sau; màu vàng nhạt, đậm đặc rất đặc trưng, được nhiều người biết đến và đặt mua làm quà” - anh Cao chia sẻ.

Nà Phước và Nà Pất là hai thôn nuôi nhiều ong mật nhất ở xã Vân Thủy. Có chất lượng tốt nên mật ong làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, các hộ nuôi có nguồn thu khá cao. Ngoài nhà anh Cao, các hộ anh Hoàng Văn Phương, Bế Văn Hiểm, Nông Văn Hiệp… cũng nuôi nhiều ong, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Để tăng quy mô, hiệu quả sản xuất, từ chỗ nuôi nhỏ lẻ, các hộ nuôi ong ở Vân Thủy đã liên kết thành lập HTX Nuôi ong mật Vân Thủy; đăng ký thương hiệu, đóng chai, xây dựng nhãn mác... Anh Hoàng Văn Phương, Giám đốc HTX cho biết: Hiện chúng tôi có 22 hội viên, với tổng số 500 đàn ong. Trong năm 2018, có nhiều hộ thành viên quay được trên 100 lít mật, thu từ 40 - 50 triệu đồng.

Việc liên kết sản xuất đã mở ra một hướng đi mới với nhiều kỹ thuật chăm sóc hiệu quả, góp phần giúp bà con dân tộc thiểu số ở Vân Thủy gắn bó hơn với nghề nuôi ong lấy mật.

Bài, ảnh: Thế Bắc