Ông Nguyễn Văn Út Vân, một người nuôi tôm tại phường 12 (TP.Vũng Tàu) cho biết: So với mùa nắng, nuôi tôm vào mùa mưa có nhiều hạn chế, kém thuận lợi. Khi mưa xuống làm cho độ pH trong nước giảm, dẫn đến môi trường nước thay đổi, vi khuẩn trong nước có điều kiện phát triển sẽ gây hại cho tôm nhất là 2 loại vi khuẩn gây bệnh đốm trắng và thân đỏ.
Chưa kể, hiện nay, người nuôi tôm tại phường 12 chủ yếu dựa vào nguồn nước cung cấp từ sông Dinh. Nhưng khu vực này hiện có nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động. Khi mưa xuống, nước thải tại các nhà máy sẽ đi theo nước mưa hòa vào nước sông nếu người nuôi vô tình sử dụng nguồn nước này không qua xử lý thì tôm dễ bị nhiễm bệnh.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh. Riêng ở vùng muôi tôm Phước Thuận, trong mùa mưa, còn khó khăn hơn vì độ mặn trong nước sẽ ở mức rất thấp. Thời gian qua, vùng nuôi này đã ghi nhận có thời điểm độ mặn xuống 1-2‰, trong khi độ mặn tối thiểu để nuôi tôm nước lợ phải trên 8‰.
Kỹ sư Phạm Thị Thu Nga, Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng: BR-VT đang bước vào cao điểm mùa mưa nên việc nuôi trồng thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn. “Mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, các yếu tố thủy lý, thủy hóa thay đổi thất thường, tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh có cơ hội lây lan. Bên cạnh đó, mưa lớn sẽ có thể gây ra hiện tượng thuỷ sản tràn bờ ao, đầm ra ngoài, gây thất thoát và thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản. Nếu không có những biện pháp kịp thời khắc phục thì thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản sẽ là rất lớn. Riêng về con tôm, nếu nuôi trong môi trường độ mặn thấp, tôm sẽ rất dễ bị bệnh mềm vỏ, khả năng đề kháng, phòng bệnh kém, khi gặp môi trường bất lợi, tôm sẽ bị sốc và hao hụt rất nhanh”, kỹ sư Nga nói.
Kỹ sư Trần Thị Thu Nga khuyến cáo, hiện tại vùng nuôi tôm tập trung xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), UBND tỉnh đã có chủ trương đồng ý triển trai dự án kênh mương dẫn nước mặn vào cung cấp cho khu vực này nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, người dân không nên thả nuôi khi chưa lấy đủ nguồn nước mặn vào các ao nuôi mà phối hợp Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, ngành nông nghiệp địa phương theo dõi điều tiết nguồn nước ngọt, kết quả quan trắc được thông báo từ Chi cục Thủy sản tỉnh để lựa chọn thời điểm thích hợp bảo đảm đủ độ mặn để lấy nước vào ao nuôi phục vụ cho công tác nuôi trồng.
Đối với những ao nuôi tôm thương phẩm, người nuôi cần chú ý theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm tôm chết hàng loạt. Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.
Đối với nuôi cá lồng bè, thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá; San thưa mật độ cá trong các lồng nuôi, như cá bớp mật độ thả từ 150-200 con trọng lượng 3-5kg trong lồng 6x6m; Cho cá ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế thức ăn tươi bị ươn, bổ sung vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng; Theo dõi môi trường nước và hoạt động của cá hằng ngày để kịp thời xử lý; Chuẩn bị máy cung cấp ôxy để phục vụ kịp thời khi xẩy ra tình trạng thiếu ô xy cục bộ.
Đồng thời, người nuôi trồng thủy sản cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.