dd/mm/yyyy

Thiếu kho đông lạnh, xuất khẩu nông sản gặp khó

Nhiều loại nông, thủy sản đang có nguy cơ tồn ứ, khó tiêu thụ vì số lượng kho lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản và chế biến. Các doanh nghiệp đang phải oằn mình gánh phí bởi các chi phí lưu kho, logistic liên tục tăng. Việc thu mua nông sản từ nông dân cũng trở nên hạn chế hơn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu đang rơi vào tình thế nan giải khi phải chịu giá cước phí container tăng chóng mặt và chi phí lưu kho lạnh cũng đang ở mức cao ngất ngưỡng.

Theo ông Tùng, hiện hệ thống kho lạnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang trong tình trạng "hết chỗ chứa". Nhiều lô hàng chưa xuất được nên phải để tồn kho. Tuy nhiên, giá lưu kho lạnh đang tăng từ 20-25% so với đầu năm ngoái, với khoảng 1,2-2 triệu đồng/tấn/ngày, khiến doanh nghiệp 'xót hết ruột'.

Ông Tùng cho biết, với mức lưu kho hiện nay, doanh nghiệp phải chi thêm hàng tỷ đồng mỗi tháng để lưu kho. Nhiều doanh nghiệp không gánh nổi chi phí nên không dám mở rộng thu mua nông sản hoặc nhận thêm đơn hàng. Bởi, nhiều khi mua xong, hàng chưa xuất được đã rơi vào tình trạng hỏng, khiến doanh nghiệp càng thua lỗ hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, đang có kế hoạch chi thêm 10 tỷ đồng xây dựng kho lạnh thu mua trái cây.

Thiếu kho đông lạnh, xuất khẩu nông sản gặp khó - Ảnh 1.

Việc thiếu kho lạnh, khiến xuất khẩu nông sản đang gặp không ít khó khăn

Theo bà Thu, việc đầu tư vào kho lạnh rất tốn kém nên thông thường doanh nghiệp chủ yếu đi thuê và chịu mức giá bên cho thuê đưa ra. “Với tình hình này, nếu không có kho lạnh riêng, doanh nghiệp cũng xác định phải gánh thêm một đống chi phí. Do đó, chúng tôi chấp nhận bỏ tiền để xử lý tình huống trước mắt", bà Thu chia sẻ.

Đại diện một đơn vị logistic tại TP.HCM chia sẻ, hiện đơn vị có đến hơn 95% kho lạnh lấp đầy do nhu cầu thuê tăng cao. Tỷ lệ này trước đây chỉ duy trì ở mức 75-80%. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đặt hợp đồng thuê kho nhưng đơn vị chưa dám nhận bởi đang vào giai đoạn cao điểm, các chi phí như giá điện, mặt bằng thuê đất…có thể tăng thêm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong ngành thủy sản, công suất kho lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên khi dịch COVID-19 xảy ra, tình trạng thiếu kho thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, lưu trữ hàng hóa của doanh nghiệp.

Theo ông Hòe, kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để doanh nghiệp thu mua hết nguyên liệu tôm, cá nông dân sản xuất ra mà còn giúp doanh nghiệp dự trữ được nguồn hàng lớn, kịp thời đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu khi nhu cầu thị trường tăng.

Đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng rất cần kho lạnh để phân phối thực phẩm đến các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến thủy sản hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, còn lại phải thuê ngoài.

“Nếu sức chứa của kho lớn hơn, doanh nghiệp có thể mua sớm hoặc tăng thêm sản lượng thủy sản từ nông dân, giảm bớt tình trạng tôm cá đến lứa phải tồn trong ao như hiện nay", ông Trương Đình Hòe cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).

Với số lượng kho lạnh hiện nay, theo ông Toản, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất hàng khó khăn, việc thiếu kho lạnh khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực khi chi phí lưu kho tăng, hàng hóa ứ đọng không có nơi bảo quản, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống kho lạnh. Trong đó, có chính sách hỗ trợ về thuế, và giảm lãi suất vay.


Dương Hưng