dd/mm/yyyy

“Tân binh triệu USD” của trái cây Việt Nam

Chanh leo, hay chanh dây cho năng suất cao nhưng khó chăm sóc, vì mới được trồng đại trà vài năm trở lại đây nên kỹ thuật canh tác chanh dây chưa hoàn thiện, ở giai đoạn “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Trái chanh leo – không xa lạ gì với nông dân Việt Nam, nhưng để trở thành sản phẩm xuất khẩu mang về triệu USD thì đây là sản phẩm rất mới. Chanh leo, hay chanh dây, cũng trở thành từ khóa “hot’’ trong vài năm gần đây, khi nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư trồng, chế biến và xuất khẩu loại trái cây này.

Hai tấn chanh leo quả tươi đầu tiên được Công ty Cổ phần Nafood đóng gói để xuất khẩu sang các siêu thị của nước Pháp.
Hai tấn chanh leo quả tươi đầu tiên được Công ty Cổ phần Nafood đóng gói để xuất khẩu sang các siêu thị của nước Pháp.

Tân binh” triệu USD

Cuối tháng 12, Công ty cổ phần Nafoods đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ quả xuất khẩu với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng. Cùng với đó, lần đầu tiên, lô 3 tấn chanh dây được xuất khẩu sang thị trường Pháp và Thụy Sỹ, tạo điều kiện cho sản phẩm chanh dây Việt Nam tiếp tục chinh phục những thị trường khó tính.

Đại diện Nafoods cho biết, nhà máy được đầu tư thiết bị hiện đại, công suất chế biến 120 tấn chanh leo, rau, củ quả mỗi ngày. Dự kiến đến tháng 9.2018, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động. Đây cũng sẽ là điểm nhấn trong chuỗi giá trị chanh leo của doanh nghiệp này.

Ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods, nhận định thị trường chanh leo hiện còn dư địa rất lớn, trong khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh. Ở Việt Nam, những năm gần đây, giống chanh leo tím tỏ ra khá phù hợp với điều kiện tự nhiên. Năng suất bình quân của nó đạt khoảng 60 – 70 tấn/ha, đem lại sản lượng hàng năm khoảng 200.000 tấn/năm và có tiềm năng tạo thành vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Thị phần xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đang tăng theo từng năm, đặc biệt là ở thị trường châu Âu. Đây cũng là thị trường nhập khẩu chính sản phẩm chanh leo, trong khi nguồn từ Ecuado và Peru dự báo ngày càng giảm do ảnh hưởng nặng từ hiện tượng El Nino. Tính riêng Nafoods, mỗi năm xuất khẩu bình quân 2.000 tấn chanh leo cô đặc, chiếm từ 8 – 10% thị phần chanh leo cô đặc trên thế giới.

“Thông tin thăm dò thị trường từ các đối tác đang thu mua chanh leo trên thế giới cho thấy, sản phẩm này ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ mùi vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như nước uống, kem, jam, mứt, bánh kẹo… Nhu cầu sử dụng cũng tăng bình quân 30%/năm”, ông Thái thông tin. Không chỉ Nafoods, một “ông lớn” khác trong ngành nông nghiệp cũng đặt cược lớn vào trái chanh dây là Hoàng Anh Gia Lai (HAG), khi đầu năm 2016, HAG bắt đầu trồng chanh leo trên diện tích lớn. Đến giữa năm 2017, diện tích chanh leo của doanh nghiệp này đã đạt gần 1.500 ha, sản lượng dự kiến trong năm 2017 đạt hơn 56.250 tấn, mang về doanh thu 1.050 tỉ đồng.

Trang trại trồng chanh dây của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức tại cao nguyên Paksong, nơi có ngã ba Đông Dương rất thuận lợi cho việc di chuyển. Các chuyên gia của tập đoàn này cho biết, thời gian bắt đầu khai thác của chanh dây là 6 tháng. Giá vốn hàng bán đối với chanh dây là 12.000 - 13.000 đồng/kg, trong khi giá bán trung bình vào khoảng 20.000 đồng/kg. Như vậy, lợi nhuận gộp vào khoảng 35% - 40%. Còn theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cây chanh dây ở các tỉnh Tây Nguyên đang phát triển khá tốt. Người trồng đặt mục tiêu đạt 80 tấn/ha chớ không chỉ dừng ở mức 60 – 70 tấn/ha như trước nữa.

Chưa vội mừng

Tại Việt Nam, chanh leo đã khẳng định sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… thế nhưng nhìn chung, chanh leo Việt Nam chưa có định hướng phát triển rõ ràng, thiếu sự tham gia giám sát của các cơ quan chức năng.

Là một doanh nghiệp lớn trong trồng và chế biến xuất khẩu chanh leo, Công ty CP Nafoods Group định hướng trong 5 năm tới đây sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và lai tạo ra các loại giống có năng suất cao, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu trồng của người nông dân.

Đồng thời, đặt mục tiêu quy hoạch vùng nguyên liệu chanh leo phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu để đạt mục tiêu chiếm từ 40 – 50% thị phần chanh leo cô đặc của thế giới.

Tuy nhiên, theo nhận định của Nafoods, chanh leo rất dễ mắc các loại bệnh hại, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh do virus gây ra. Gần đây, năng suất và sản lượng chanh leo ở một số vùng tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông… bị sụt giảm mạnh. Đôi lúc còn khiến người trồng gần như mất trắng.
Kết quả phân tích các mẫu bệnh cho thấy, bệnh hại do virus thực vật phá hoại (EAPV) lây lan gây ra. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có tài liệu nào ghi nhận sự tồn tại của virus này.

Do đó, ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Công ty CP Nafoods cho rằng các cơ quan cần vào cuộc, từ quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu đến việc nghiên cứu, tìm ra nguồn gốc lây nhiễm một số bệnh gây hại trên loại cây trồng này, đảm bảo năng suất và chất lượng cho người trồng.
Ông Thái cũng đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm soát chặt việc nhập khẩu giống từ các nước và vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Trung Quốc. Đồng thời, sớm ban hành bộ tiêu chuẩn về cây giống chanh leo được phép sản xuất tại Việt Nam để ngăn chặn sự lây lan của các loại virus gây hại các vùng trồng chanh leo nguyên liệu.

Trái chanh leo ở trang trại của Hoàng Anh Gia Lai.
Trái chanh leo ở trang trại của Hoàng Anh Gia Lai.

Còn với HAG, hiện chanh leo tại đây đã bắt đầu thu hoạch. Thế nhưng, đại diện HAG nhận định loại cây này không dễ trồng, cũng không dễ thu hoạch. Phải hái lúc trái khô hoàn toàn, vì nếu chỉ cần dính nước mưa, khi xếp vào hộp kín, trái chanh sẽ hư hỏng trong quá trình bảo quản. Việc bảo quản cũng không hề đơn giản và không kéo dài được lâu như một số loại quả khác.

Ngoài ra, chanh dây cho năng suất cao nhưng khó chăm sóc, vì mới được trồng đại trà vài năm trở lại đây nên kỹ thuật canh tác chanh dây chưa hoàn thiện, ở giai đoạn “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chính của HAG là Trung Quốc. Tuy nhiên, chanh dây lại không nằm trong danh mục hàng hóa xuất khẩu chính ngạch, cũng chưa có mã hàng hóa trong danh mục hàng hóa của hải quan (mã HS), nên vẫn đang phải xuất tiểu ngạch.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, cũng cho rằng, chanh leo rất dễ bị nhiễm các bệnh do virus gây ra, mà đã nhiễm bệnh thì mức độ lây lan và tàn phá rất nặng nề. Trong đó, nguy hiểm nhất là nhóm virus làm bần hóa vỏ quả, khiến vỏ quả cứng như gỗ, ruột bị khô, không còn nước… Khi đã “dính” bệnh thì vườn trồng gần như thiệt hại 100%.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phát hiện 4 loại virus gây hại trên chanh leo như gây hại trên lá, thân, quả. Vì vậy, dù đây là các loại virus không thuộc đối tượng bắt buộc kiểm dịch quốc tế, tuy nhiên với sự nguy hiểm của nó, Cục BVTV thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt đối với giống chanh leo nhập khẩu, đặc biệt là nguồn giống từ Đài Loan, nơi có các loại virus gây bệnh nêu trên.

Sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu 10.000 ha
Cục Trồng trọt cho biết, đang tiến hành quy hoạch cây chanh leo, do loại cây này được giá, có thị trường và có “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Trước mắt, dự kiến sẽ quy hoạch phát triển 10.000 ha. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu các địa phương muốn phát triển thêm cần gắn với các hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp vì loại cây này đầu ra chủ yếu gắn với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.

 

(Dân Việt)