dd/mm/yyyy

Sơn La đổi đường, dầu ăn lấy… môi trường sạch

Với quyết tâm bảo vệ môi trường sản xuất sạch, nhằm mang lại những sản phẩm nông nghiệp thật sự an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của những thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao, tỉnh Sơn La đã có một quyết định táo bạo và quyết liệt: Thu mua rác thải từ những trang trại cây trồng, trước mắt là từ trang trại cây ăn quả, rau sạch…

Ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, thông tin: Chúng tôi được tỉnh giao là đơn vị trực tiếp thực hiện việc triển khai, giám sát, đầu tư và thu gom nguồn rác thải từ các trang trại. Đến hết tháng 10, chúng tôi đã thu gom được 7 tấn rác thải trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La kiểm tra tình hình trồng cây ăn quả trên đất dốc gắn với bảo vệ môi trường sản xuất tại xã Mường Thải, huyện Phù Yên.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La kiểm tra tình hình trồng cây ăn quả trên đất dốc gắn với bảo vệ môi trường sản xuất tại xã Mường Thải, huyện Phù Yên.

Sơn La là một trong những tỉnh có bước phát triển đột phá về kinh tế trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt so với cả nước. Sự phát triển này đồng đều trên cả 5 mặt: Diện tích ngày một tăng, năng xuất ngày một cao, sản lượng ngày một lớn, sản phẩm ngày càng đa dạng và thị trường tiêu thụ ngày càng phong phú. Hiện, tỉnh có rất nhiều nông sản đang từng bước hội nhập và chiếm lĩnh thị trường hàng hóa trong và ngoài nước: Chè, sản phẩm từ sữa bò, cà phê, cam, xoài, nhãn, các loại rau xanh, chanh leo… Để những sản phẩm này ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường, Sơn La nhắm tới mục tiêu “Khách hàng là Thượng đế - Sạch để an toàn cho người tiêu dùng”.

Chính vì thế, tỉnh đã đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ cho công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đầu tư hệ thống thu gom rác thải và tiêu hủy rác thải đúng quy định, kiểm tra và giám sát việc chấp hành đảm bảo môi trường trong sản xuất nông sản…

Theo ông Phạm Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La – người trực tiếp thực hiện việc giám sát quá trình thu gom và xử lý rác thải các nhà vườn trong tỉnh thì: Chúng tôi đã lựa chọn phương án thu gom và thu mua tối ưu nhất và mang lại hiệu quả đa chiều. Trước hết, chúng tôi tổ chức tuyên truyền sâu, rộng cho các chủ trang trại về trách nhiệm và quyền lợi trong thu gom rác thải – bảo vệ môi trường. Song song với đó, tỉnh Sơn La cũng đầu tư xây dựng bể chứa rác thải kiên cố tại một số nhà vườn làm mẫu cho bà con học và làm theo. Khi rác được thu gom, chúng tôi sẽ kiểm tra, thanh toán lại một phần công sức thu gom bằng cách đổi rác lấy nông sản khác như: Đường, dầu ăn, gạo…

Ông Đỗ Xuân Khởi – lão nông trồng cam ở bản Hoa Mai (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đưa chúng tôi đi thăm trang trại cam trĩu quả mà sạch sẽ. Ông Khởi bảo: Nông dân xưa nay vốn chỉ quan tâm tới cam có nhiều quả, có ngon, bán có được giá không chứ ít ai nghĩ tới việc bảo vệ môi trường ở vườn của mình. Nhưng khi làm vườn cam này, tôi được cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La đến tận nơi hướng dẫn cách làm cam sạch. Không chỉ hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường bón phân hữu cơ như ủ cá, đậu tương… làm nguồn dinh dưỡng cho cây; bắt côn trùng, sâu bọ bằng những công cụ vật lý đơn giản; chúng tôi còn được đầu tư hệ thống chứa rác thải sau sản xuất.

“Tôi là một trong những hộ làm thí điểm nên được cấp thùng nhựa có nắp đậy, những hộ làm sau được đầu tư xây dựng bể chứa bằng bê tông. Chính sự quan tâm của tỉnh, của Chi cục đã giúp chúng tôi nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất và kết quả là cam nhà tôi chín đến đâu khách mua hết đến đó dù giá của nhà tôi bán ra không thấp hơn giá thị trường. Năm nay, tỉnh Sơn La xuất khẩu được cả trăm ngàn tấn hoa quả các loại, phần lớn cũng là nhờ yếu tố hoa quả sạch” - ông Khởi nói.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Chiến