Tại Đồng Tháp, dịp cuối năm, càng gần đến Tết Nguyên đán, việc nuôi thả các loài thủy sản đặc sản rất sôi động, đặc biệt là cá nước ngọt.
Đến thăm Làng cá bè Bình Thạnh huyện Cao Lãnh, không khí nuôi trồng của bà con làng bè đang rất nhộn nhịp. Nơi đây chủ yếu tập trung sản xuất cá điêu hồng, một loại cá truyền thống của địa phương. Ngoài cá điêu hồng, nhiều bà con còn tìm đến với cá nàng 2, hay còn gọi là cá thác lác cườm.
Là người nuôi cá thác lác cườm có nhiều kinh nghiệm tại làng bè, anh Nguyễn Văn Út, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp cũng đã chuẩn bị số lượng lớn cá thác lát cườm để phục vụ cho nhu cầu dịp Lễ và Tết Nguyên đán sắp tới.
Anh Út cho biết, năm nay giá cá không cao như mọi năm nên phần nào gây khó khăn cho bà con. Do đặc điểm dinh dưỡng và vị đặc trưng riêng nên cá nàng 2 được nhiều người lựa chọn để chế biến các món ăn trong gia đình.
“Nếu giá cá giữ được từ 40.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi sẽ có lợi nhuận, nếu xuống dưới mức này người nuôi sẽ không có lời. Tết này gia đình sẽ bán ra trên 70 tấn cá, các hộ gia đình khác sẽ cung cấp ra thị trường một lượng cá lớn. Nếu các tỉnh khác ít cá thì giá cá sẽ tăng lên”, anh Út cho biết.
Cùng với các loài cá nước ngọt khác, cá Nàng 2 đã và đang được người dân nuôi khá nhiều, nhất là tại các lồng bè ven sông Tiền. Ưu điểm của cá là lớn nhanh, ít dịch bệnh nên được nhiều hộ nuôi lựa chọn. Cũng từ đây, toàn xã Bình Thạnh hiện có trên 100 lồng bè nuôi loại cá này, ước sản lượng cung cấp ra thị trường, nhất là vào dịp Tết là trên 500 tấn cá.
Còn tại xã An Phong, huyện Thanh Bình, cơ sở cá chép giòn Ngư Tiên của anh Lê Văn Dũng cũng đã có kế hoạch chuẩn bị hơn 30 tấn cá các loại để phục vụ thị trường tiêu dùng trong dịp Tết Đinh Dậu. Trong đó chủ yếu là cá chép hồng và cá trắm đen. Đây là hai loại cá đặc sản đang được nhiều thương lái thu mua.
Với kỹ thuật nuôi khép kín và đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở của anh Dũng đã sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn cá mỗi năm. Vào mỗi dịp Tết, cá giòn của cơ sở cũng thu hút khá đông khách hàng từ các thành phố lớn đặt mua.
Anh Lê Văn Dũng, Chủ cơ sở cá giòn Ngư Tiên, xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết, từ sau Giáng sinh cho đến thời điểm gần Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu thụ cá rất lớn. Cơ sở cũng mới đưa ra thị trường 2 loại cá trắm đen và cá chép hồng để làm đặc sản mới.
Năm nay do ảnh hưởng của nguồn nước nên việc thả nuôi các loại cá đặc sản có khó khăn hơn. Do đó, theo người nuôi cá ở khu vực này, sản lượng năm nay hạn chế hơn mọi năm. Với mục tiêu cung cấp các loại cá mới, đặc sản, cơ sở đã chú trọng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vào quy trình nuôi.
“Cá giòn hiện nay có nhu cầu lớn hơn nên cơ sở chuẩn bị hơn 30 tấn để phục vụ cho Tết nguyên đán”, anh Dũng cho biết thêm.
Nắm bắt nhu cầu thị trường và tung sản phẩm ra đúng thời điểm, nhiều người nuôi cá nước ngọt đặc sản ở Đồng Tháp đang chứng tỏ sự năng động, thích ứng với xu thế và nhu cầu thị trường. Để qua đó, đáp ứng nhu cầu đối với người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.