dd/mm/yyyy

Số hóa để cứu nông sản

Số hóa không còn là câu chuyện quá xa vời. Theo các chuyên gia, số hóa là yêu cầu tất yếu không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh Covid hoành hành, mà còn tạo đà để các doanh nghiệp ngành nông sản bứt phá.
Số hóa để cứu nông sản - Ảnh 1.

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản.

“Mượn” mã số để xuất khẩu?

Hồi tháng 8 vừa qua, các DN xuất khẩu nông sản dính “đòn đau” khi bị DN phía Trung Quốc từ chối nhập khẩu 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn). Lý do được đưa ra là bởi, số lô xoài này vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Được biết, trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói này, có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sở đóng gói của tỉnh Đồng Tháp nằm trong danh sách vi phạm. Ngay khi nhận được thông tin về sự việc này, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thông báo cho các đơn vị kiểm dịch cửa khẩu và địa phương để thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan, tiến hành điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục theo quy định.

Phía cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong quá trình điều tra, đã phát hiện tình trạng các DN sử dùng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để xuất khẩu. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số trong các vụ xuất khẩu tiếp theo.

Trở lại câu chuyện của việc xuất khẩu sản phẩm xoài cách đây hơn 1 tháng để thấy, thị trường Trung Quốc đang ngày càng trở nên khắt khe với các sản phẩm nông sản nhập khẩu của Việt Nam. Để vượt qua được những thách thức mới từ phía đối tác, các DN Việt không còn cách nào khác phải thực thi những điều kiện, quy chuẩn đó. Và một trong những bước đi quan trọng đó là phải thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

1 triệu ha đất nhưng cấp mã vùng chỉ 1%

Nói về câu chuyện phía Trung Quốc từ chối nhập khẩu 220 lô xoài của Việt Nam hồi tháng 8 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, đó là một bài học cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta. Theo bà Thực, sở dĩ phía nước bạn ngừng nhập khẩu hơn 3000 tấn xoài là do các sản phẩm bị làm giả quá nhiều. Thực tế này càng khẳng định cấp thiết quá trình “số hóa”.

“Việt Nam có 1 triệu ha đất trồng cây ăn quả nhưng cấp mã vùng trồng trọt chưa được 1%” – bà Thực nói đồng thời cho biết thêm, trong khi sản lượng nông sản xuất khẩu lại chiếm tới 70%. “Đối với công nghệ quản lý của Trung Quốc, họ có dữ liệu cập nhật thường xuyên nên có chể “chặn” hàng xuất khẩu của Việt Nam bất cứ lúc nào. Vì họ có bằng chứng, mã vùng chỉ có 10ha nên không thể xuất khẩu tới 100.000 tấn xoài sang Trung Quốc”, bà Thực nhấn mạnh.

Nêu lên thực trạng về quá trình số hóa nông nghiệp hiệp nay ở Việt Nam, vị này cho hay, Việt Nam có diện tích trồng lúa và người lao động làm việc trong ngành nông nghiệp lớn, nhưng vẫn chưa có một công cụ nào dành riêng cho các hợp tác xã sản xuất lúa gạo như phần mềm kế toán. Và một trong những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa và bị mất niềm tin lớn nhất, đó là chúng ta đã cấp được rất nhiều chứng chỉ VietGAP, nhưng tất cả chứng chỉ được làm trên sổ tay. Thực tế, có tới 99% sổ tay nhà vườn làm để đối phó.

Chính bởi vậy, vị chuyên gia cho rằng, cần phải đẩy mạnh quá trình số hóa cho nông nghiệp nếu muốn trụ đỡ của nền kinh tế không bị lung lay.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, ngành chế biến, chế tạo được đánh giá là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam, được dẫn dắt bởi khu vực FDI nhưng đóng góp của kinh tế số lại thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Đặc biệt, là những ngành đóng góp vào xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may và da giầy ứng dụng kinh tế số vô cùng thấp.

Minh Phương