dd/mm/yyyy

Sẽ triển khai bảo hiểm trên diện rộng

Được đánh giá là một trong 5 nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, việc triển khai BHNN tại Việt Nam là cần thiết, vì vậy mới đây liên Bộ Tài chính và NNPTNT đã họp sơ kết và đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình này với rất nhiều điểm mới.

Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, BHNN giai đoạn tới sẽ thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn đảm bảo và tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo).

Nông dân cần, doanh nghiệp vẫn “dè chừng”
Ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ và cho thấy đây là một chính sách lớn, cần thiết và hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đồng thời là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thông qua chương trình đã góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan trung ương, địa phương và người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của BHNN.

Lĩnh vực Thủy sản có thể bị tạm dừng triển khai BHNN, dù người dân rất muốn tham gia (ảnh Thanh Xuân)

Ông Đào Xuân Hải ở xã Kim Long, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), đang sở hữu trang trại rộng hơn 1ha, mỗi năm thu lãi 500 triệu đồng. Ông Hải cho biết đã từng trắng tay, bỏ chuồng khi dịch cúm gia cầm xảy ra, toàn bộ đàn gà 3.000 con bị tiêu hủy nên từ năm 2011, ông đã ký hợp đồng bảo hiểm đàn gà với Công ty bảo hiểm Bảo Việt Vĩnh Phúc. Với quy mô đàn gà từ 200 con trở lên ông phải đóng phí 720.000 đồng. Nếu xảy ra rủi ro, bảo hiểm sẽ đền bù 15.000 đồng/con theo đúng giá thị trường. “Sau khi tham gia bảo hiểm, tôi an tâm hơn trong chăn nuôi, không lo trắng tay vì đã có bảo hiểm đỡ đầu” - ông Hải cho hay.

Trái với tâm lý hồ hởi của nông dân, một số doanh nghiệp tham gia BHNN rất dè chừng. Theo Tổng Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, trong giai đoạn thí điểm, doanh thu phí BHNN là 394 tỷ đồng, trong khi bồi thường lên đến 712,9 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng đã xuất hiện tình trạng trục lợi BHNN.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, đây là chương trình triển khai thí điểm, vì vậy sau khi kết thúc các bộ ngành liên quan đã tiến hành đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập, từ đó sẽ hướng đến việc lựa chọn hình thức triển khai BHNN đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DNBH.

Kỳ vọng chính sách mới

Ông Huyền cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3094/VPCP-KTTH ngày 6.5.2016 của Văn phòng Chính phủ, căn cứ kết quả phân tích, đánh giá về những khó khăn, bất cập trong triển khai BHNN, Bộ Tài chính đang phối hợp Bộ NNPTNT, xin ý kiến địa phương, tổ chức họp với các doanh nghiệp, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ để hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện BHNN.

“Một trong những điểm mới là BHNN sẽ triển khai theo hướng không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn đảm bảo và tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo)” - ông Huyền cho hay.

Tuy nhiên, liên quan tới BHNN trong lĩnh vực thủy sản, đại diện Bộ Tài chính chưa có câu trả lời cụ thể là trong thời gian tới có tiếp tục triển khai hay không. Trước đó, vào cuối năm 2015, khi kết thúc thí điểm BHNN, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết đã đề xuất trong giai đoạn 2015 – 2017 dừng hỗ trợ đối với bảo hiểm thủy sản (tôm, cá), mặc dù đây là lĩnh vực có nhiều người tự nguyện tham gia nhất.

Nông dân sẽ yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi khi tham gia BHNN (Ảnh TL)

BHNN đang đứng trước nhiều cơ hội khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16.5.2016, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm, Nghị quyết 35 nhằm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp bảo hiểm, đang thực sự mang lại “luồng gió mới” trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nghị quyết 35 sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh BHNN. Cụ thể, thủ tục hành chính sẽ được cải cách mạnh mẽ và quyết liệt; quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh… Theo đó, sẽ sớm loại bỏ tình trạng chồng chéo trong phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Bộ Tài chính và đăng ký sản phẩm bảo hiểm của Bộ Công Thương.

Đặc biệt, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; quy định về giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực… sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, người lao động tăng thêm thu nhập, theo đó tỷ lệ doanh nghiệp, người lao động tham gia bảo hiểm sẽ gia tăng nhanh chóng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp đẩy mạnh các dịch vụ BHNN.

Phi Long-Trọng Đạt