Đến nay, công ty sở hữu hai nông trại chăn nuôi gà đẻ và một trang trại nuôi gà lấy thịt... Tin Vietnam Opportunity Fund đầu tư số tiền lớn vào một công ty chuyên kinh doanh trứng, là tín hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi. Vậy, lợi nhuận làm trứng hấp dẫn tới đâu để một quỹ đầu tư sừng sỏ phải nhảy vào?
Làm ăn đàng hoàng khó sống
Cách nay chừng ba bốn năm, người tiêu dùng TP.HCM thường lựa chọn trứng gia cầm của ba thương hiệu lớn, gồm Ba Huân, Vietfarm và Vĩnh Thành Đạt. Nói là thương hiệu lớn, bởi đây là ba doanh nghiệp có đầu tư nhà máy xử lý trứng hiện đại, sản phẩm được đóng gói, có nhãn mác, thương hiệu, qua đó tạo được uy tín sâu rộng trên thị trường. Tuy nhiên, sau đó, Vietfarm, vì nhiều lý do, đã phải rút lui khỏi thị trường, để lại khoảng trống rộng lớn cho Vĩnh Thành Đạt và Ba Huân khai thác.
Khi rút lui, đại diện Vietfarm từng chia sẻ rằng việc thành phố chưa “tập trung được các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm về một đầu mối” theo kế hoạch không những gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu tính công bằng. Những doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỉ đồng, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đúng theo chủ trương thì rất khó tồn tại, còn cơ sở đầu tư sơ sài, không đủ điều kiện lại đang sống khoẻ…
Tuy nhiên, việc cho rằng Vietfarm rút lui, để lại khoảng trống lợi thế thị trường có sức tiêu thụ năm 6 triệu quả trứng mỗi ngày cho Vĩnh Thành Đạt và Ba Huân khai thác chưa hẳn đã đúng. Năm 2006, nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm, UBND TP.HCM có chủ trương lập khu chế biến và kinh doanh các sản phẩm trứng gia cầm tập trung để đưa hơn 70 cơ sở kinh doanh cấp 1, hàng trăm đại lý cấp 2, cấp 3… của thành phố về một đầu mối nhằm dễ kiểm soát chung về dịch tễ, không để các cơ sở này nằm rải rác trong các khu dân cư.
Sau chừng ấy năm triển khai, ngoài một số doanh nghiệp được nhận tiền hỗ trợ đầu tư nhà máy, số khác tự bỏ tiền ra làm, đến nay hầu hết những cơ sở còn lại vẫn tồn tại. Nghĩa là, cũng như các mặt hàng thực phẩm khác, quả trứng tiêu thụ ở TP.HCM vẫn tồn tại hai môi trường kinh doanh sạch, bẩn lẫn lộn. Những doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỉ đồng, như Vietfarm, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đúng theo chủ trương rất khó tồn tại, còn cơ sở đầu tư sơ sài, không đủ điều kiện lại đang sống khoẻ… do có chi phí thấp hơn 20 – 30%.
Vietfarm có thể tồn tại nếu cũng chấp nhận kinh doanh theo lối sạch bẩn như nó đang tồn tại. Nghĩa là, chấp nhận làm một tỷ lệ hàng vừa đủ cung cấp vào hệ thống siêu thị, cửa hàng để lấy thương hiệu, uy tín. Còn lại, vẫn phải bán hàng xô (lấy từ trại về bán thẳng đến người dùng, không qua xử lý) để cạnh tranh với các cơ sở không đủ điều kiện. Chúng tôi từng đặt bài toán này khi Vietfarm rút lui, nhưng đại diện công ty này quả quyết: “Làm đàng hoàng thì làm, không thì thôi!”.
- "Hiện nay, các trang trại giá thành 1.300 - 1.350 đồng/quả, nhưng giá bán chỉ dưới 1.200 đồng", đại diện một doanh nghiệp FDI, tâm sự.
Điểm qua như vậy để thấy, thị trường trứng gia cầm tại Việt Nam hoàn toàn không phải là nơi… dễ kiếm ăn, nếu doanh nghiệp không biết cách “sống chung” với môi trường kinh doanh sạch, bẩn lẫn lộn. Muốn làm ăn đàng hoàng, tức hàng hoá phải có nguồn gốc, qua xử lý, đóng bao, dán nhãn, tem, phân phối ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chắc chắn lợi nhuận sẽ bị bào mòn bởi các khoản chiết khấu hoa hồng, nợ trả chậm, chi phí lãi vay, khấu hao máy móc, phí vận chuyển, phí quản lý…
Theo tính toán, chiết khấu hoa hồng mỗi quả trứng cho siêu thị hiện nay vào khoảng 10 – 15%, cộng thêm chi phí bao bì, điện nước, nhân công đóng gói, khấu hao máy móc… khoảng 200 đồng, chưa kể phí quản lý và vận chuyển nên việc bán trứng vào hệ thống mua sắm hiện đại hầu như không có lời…
Giá trứng chỉ còn 1.200 đồng/quả
Mặt hàng trứng gia cầm đang là thị trường mở, từ người nuôi, doanh nghiệp, đại lý… đều có thể phân phối, bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Trước đây, theo quy định, chỉ có những doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện mới được phân phối trứng, nhưng từ giữa tháng 8.2016, thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định bỏ kiểm dịch đối với trứng gia cầm tươi và chế biến. Điều đó, đồng nghĩa với việc từ nay cơ quan thú y không còn vai trò giám sát quả trứng, có chăng chỉ còn lực lượng quản lý thị trường và cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Các trang trại chăn nuôi, nếu có nơi xử lý trứng như doanh nghiệp, có thể tham gia kinh doanh trứng.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, một người chăn nuôi gà đẻ có quy mô đàn hơn nửa triệu con ở Đồng Nai, nói từ ngày có quy định trên, thị trường trứng gia cầm đã phá thế độc quyền phân phối, trang trại của ông đã có thể tự cung cấp trứng cho các đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM. Người tiêu dùng được lợi khi cắt giảm được trung gian, nhiều tầng nấc tham gia, từ đây cũng nảy sinh cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá.
“Giữa các doanh nghiệp cạnh tranh giá bán đã đành, các trang trại lớn muốn tồn tại cũng phải tìm mọi cách nâng năng suất, cắt giảm giá thành”, ông Khoa bảo, đồng thời khẳng định lợi nhuận từ kinh doanh trứng gia cầm không bao giờ ổn định và thường rất thấp.
“Các trại sống được còn nhờ vào việc dám đầu tư quy mô để có nguồn trứng số lượng lớn, tiết giảm nhân công, phí quản lý…”, ông Khoa nói thêm.
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, dù tiềm năng thị trường trứng gia cầm ở Việt Nam theo đánh giá của các doanh nghiệp là còn rất lớn, nhưng để kiếm sống lại cực kỳ khó. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thống kê đàn gà đẻ cả nước dao động 16 – 17 triệu con mỗi năm, cho ra 10 – 12 triệu quả trứng mỗi ngày. Thị phần này, chia đều cho nhiều doanh nghiệp, hàng ngàn trang trại và không có đối tượng nào nắm giữ quá 15%. Trước đây, một số doanh nghiệp FDI tiên phong đầu tư vào con gà đẻ như C.P, Emivest hay Japfa thường duy trì đàn gà đẻ 1 – 1,5 triệu con, nhưng sau thời gian làm không có lời, các doanh nghiệp này bắt đầu thu hẹp dần, nay, họ chỉ duy trì khoảng trên dưới 1 triệu con, nhưng chủ yếu là theo mô hình gia công.
“Trứng gia cầm rất khó làm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cung, cầu vì thời gian nuôi con gà đẻ chỉ có trong vòng năm sáu tháng. Hiện nay, các trại nuôi giá thành 1.300 – 1.350 đồng/quả, nhưng giá bán chỉ có dưới 1.200 đồng”, đại diện một doanh nghiệp FDI, tâm sự.