dd/mm/yyyy

"Quái vật" bò ngang đường trong đêm lạnh ở Lào Cai là sa giông khổng lồ?

Vào tối khuya ngày 3.2 vừa qua, anh Hoàng Sơn, dân tộc Tày, trú tại xóm Làng Giàng, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đi họp Đoàn thanh niên về, tới bờ ao thì gặp 1 con "quái vật khổng lồ" đen sì đang cố bò qua đường.

Thông tin về con "quái vật" này sau đó đăng trên báo điện tử danviet.vn ngày 5.2, thu hút sự quan tâm của độc giả và được bạn đọc chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội và rất nhiều thành viên vào tranh luận, gọi con cá lạ này với tên gọi khác nhau...

Con cá lạ mà anh Hoàng Sơn bắt gặp trong đêm khuay lạnh 3.2 vừa qua. Ảnh: NVCC.

Theo anh Hoàng Sơn - người gặp con cá lạ mà anh gọi là "quái vật" thì sau khi anh chia sẻ hình ảnh con cá lạ trên mạng xã hội và sau khi báo Danviet thông tin, đến nay anh cũng chưa biết gọi tên là gì. "Tôi vẫn còn cảm giác sợ sợ. Từ hôm qua tới giờ, tôi và mọi người trong nhà cũng không kể chuyện này với ai. Ở nông thôn, miền núi, chúng tôi nói ra sợ mọi người lại đồn đoán những chuyện không hay, nhất là về tâm linh này kia. Tết đến nơi rồi, tôi không muốn chuyện không hay...".

Theo các ý kiến của bạn đọc báo Danviet và nhiều ý kiến khác trên mạng xã hội, con cá lạ được gọi với nhiều cái tên khác nhau. Có thể kể ra những cái tên như sau: cá phổi, tắc kè nước, thằn lằn nước, ếch cổ đại, cá lưỡi trâu, cá trình...Thậm chí không ít người cho con "quái vật" này là 1 giống cá sấu nước ngọt!!! Đa số ý kiến đều cho rằng đây là con cá cóc Tam Đảo-1 loài bò sát lưỡng cư quý hiếm ở dãy núi Tam Đảo của Việt Nam.

Nhưng ngay sau đó, một bạn đọc tên là Vũ (Hà Nội) nhắn tin chia sẻ với PV Danviet rằng, anh là người hay đọc nhiều tài liệu, xem các phim khoa học về động, thực vật và anh khẳng định, con cá lạ trong bài "Đêm lạnh gặp "quái vật" bò ngang đường, sợ hết hồn mang thả suối" đăng trên Danviet ngày 5.2 vừa qua không hoàn toàn là cá cóc Tam Đảo. "Cá cóc Tam Đảo ko to quá như thế (chiều dài con trưởng thành chỉ khoảng từ 144 - 206,5mm. Con này thuộc loài sa giông (kỳ giông) khổng lồ Trung Quốc. Ở Trung Quốc họ bắt được con này nhiều lần rồi mà. Có điều con này xuất hiện ở Việt Nam cũng thuộc dạng cực kỳ hiếm...", anh Vũ quả quyết.

Con "quái vật" mà anh Hoàng Sơn bắt gặp bò ngang đường đêm khuya lạnh 3.2 vừa qua nhiều người khẳng định là loài sa giông hay còn gọi là kỳ nhông khổng lồ vốn đã phát hiện ở Trung Quốc cuối năm 2015. Anh: NVCC.

Một bạn đọc khác còn gửi các bài báo đã đăng tải trước đây thông tin về loài kỳ giông khổng lồ cực kỳ quý hiếm được phát hiện trong một hang động đá vôi ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc công bố cuối năm 2015.

Trao đổi sơ bộ với Danviet, 1 nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam" cũng khẳng định, con cá lạ không phải loài cá cóc Tam Đảo, rất có thể con cá lạ đăng trên Danviet thuộc loài kỳ nhông khổng lồ-vốn cư trú ở miền Nam Trung Quốc, trong đó có tỉnh Vân Nam. Loài kỳ nhông khổng lồ này có con nặng hơn 51kg và dài tới 1,4m.

Một nhà khoa học khác cũng đến từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho hay, anh sẽ nghiên cứu kỹ hình ảnh và thông tin của bài báo và sẽ sớm có trả lời bạn đọc về tên, loài và nơi cư trú của con cá lạ mà Danviet đã đăng tải...

Phương Đông