dd/mm/yyyy

Phòng và chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi: Cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía người dân

Để phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, nhất là các cơ quan thú y Trung ương và địa phương thì cũng cần có sự tham gia ngay từ đầu của người dân trong việc chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, trị bệnh khi dịch bệnh xảy ra.

Để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống hiệu quả, phóng viên Trang trại Việt đã có cuộc trao đổi với TS.Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT).

Bà Hạ Thuý Hạnh phát biểu tại buổi tập huấn ở Thái Bình ngày 7.3. Hải Đăng
Bà Hạ Thuý Hạnh phát biểu tại buổi tập huấn ở Thái Bình ngày 7.3. Hải Đăng

Bệnh dịch nguy hiểm

Xin bà cho biết rõ hơn về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi?

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh mới, bùng phát trên thế giới khoảng 3 năm gần đây, chủ yếu ở khu vực các nước Châu Phi. Từ tháng 8.2018 vừa qua, dịch xuất hiện tại Trung Quốc với ổ dịch đầu tiên được công bố ngày 3/8 tại tỉnh Liêu Ninh (phía bắc Trung Quốc). Chỉ 2 tuần sau, ổ dịch thứ 2 được phát hiện tại tỉnh Hà Nam, cách Liêu Ninh đến 800km, điều này cho thấy vi rút gây bệnh có thể lây lan nhiều nơi tại Trung Quốc trước khi được xác nhận.

Tính nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi là khả năng lây lan bằng các con đường khác nhau như lây nhiễm trực tiếp, lây nhiễm qua chất thải, nước thải, côn trùng, thức ăn...

Mọi lứa tuổi, chủng loại lợn đều có thể mắc bệnh và tỷ lệ chết cao đến 100%, trong khi hiện chưa có vacine phòng bệnh và cũng không có thuốc đặc hiệu để chữa trị. Vi rút gây bệnh dịch tả Châu Phi khi lưu hành trong môi trường có kháng thể rất mạnh.

Bà Hạ Thúy Hạnh cho hay: Trong thời điểm này các cơ quan truyền thông cũng phải chú ý đưa tin theo tinh thần vừa bảo đảm chống được dịch bệnh, vừa bảo đảm bảo vệ, phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang.

Vì vậy, khi lợn bị mắc bệnh này đều phải tiêu hủy bắt buộc và công tác tiêu trùng, khử độc môi trường xung quanh ổ dịch phải được làm rất kỹ.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã vào cuộc như thế nào để giúp dân phòng, chống dịch tả lợn châu Phi?

Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lan tràn khó kiểm soát, vừa qua Bộ NN&PTNT đã triển khai họp rất nhiều cuộc trực tuyến để chỉ đạo các địa phương. Trước hết đối với vùng lõi và vùng dịch thì cơ quan thú y địa phương và trung ương sẽ triển khai xử lý, bao vây dập dịch và tiến hành các vấn đề tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn bị dịch bệnh.

Riêng đối với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ cũng đã chỉ đạo vào cuộc hỗ trợ, hướng dẫn nhóm ở trong vùng đệm (cách vùng dịch 10km) và vùng nguy cơ cao (cách 3km).

Cụ thể, hệ thống khuyến nông sẽ tham gia vào các công việc đào tạo, tập huấn để bà con chăn nuôi an toàn có kiểm soát đảm bảo ổn định hoạt động chăn nuôi.

Cụ thể, sau khi có chỉ đạo của Bộ, chúng tôi đã có công văn gửi các trung tâm của 63 tỉnh, thành phố. Đến thời điểm này, hệ thống khuyến nông tại các tỉnh, thành đã nắm được tinh thần, thông tin và đặc biệt là các cán bộ thực hiện dự án khuyến nông triển khai trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn đã và đang vào cuộc xử lý tiêu độc, khử trùng cũng như tăng cường hướng dẫn bà con chăm sóc đàn vật nuôi khỏe để kháng dịch bệnh.

Thứ hai, trung tâm cũng triển khai 2 các tập huấn TOT cho các cán bộ khuyến nông nơi xuất hiện ổ dịch.

Theo đó, từ ngày 5 đến ngày 8.3 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức các khoá tập huấn TOT kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học và kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi cho 60 học viên là các cán bộ khuyến nông tại tại 2 tỉnh xuất hiện dịch đầu tiên là Hưng Yên và Thái Bình.

Trong đó chúng tôi đã tập huấn cho các cán bộ này công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Chúng tôi hy vọng sau đợt tập huấn này các cán bộ được đào tạo sẽ về địa phương mình để tập huấn lại cho các cán bộ khuyến nông tuyến xã và bà con nông dân phát hiện dịch sớm, cùng với công tác tiêu độc, khử trùng hiệu quả và đặc biệt là việc tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt)...

Ngoài các hoạt động trên, trong các ngày qua và sắp tới các cán bộ khuyến nông tại các địa phương luôn đồng hành cùng với các cơ quan liên ngành tổ chức trực chốt, tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn dịch tại các ổ dịch.

Bà Hạ Thúy Hạnh cùng các cán bộ thú y địa phương kiểm tra công tác phòng dịch tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng (Thái Bình) ngày 7.3.
Bà Hạ Thúy Hạnh cùng các cán bộ thú y địa phương kiểm tra công tác phòng dịch tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng (Thái Bình) ngày 7.3.

Cần nông dân vào cuộc quyết liệt hơn

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, trong đó, hệ thống khuyến nông sẽ in tờ rơi phát cho các địa phương, các hộ và đưa tin lên các phương tiện truyền thông, truyền hình để mọi người nắm được thực hiện tốt, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, trong các chương trình, dự án triển khai trong chăn nuôi lợn như thụ tinh nhân tạo, phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở Đồng bằng sông Hồng, phát triển đàn lợn bản địa Hà Giang và một số tỉnh khác... hệ thống khuyến nông sẽ lồng ghép đưa các thông tin về đào tạo, tập huấn thông tin về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi để bà con ở vùng đệm yên tâm phát triển, ổn định chăn nuôi.

Thông tin thêm với độc giả là sắp tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp bàn về các giải pháp, kỹ thuật chăm sóc, phòng, trị bệnh, dịch tả lợn châu Phi trong chăn nuôi lợn cho khoảng 300 đại biểu là các cán bộ khuyến nông, nông dân chủ chốt ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và cách phòng, chống dịch hiệu quả, lúc này, nông dân cần làm gì, thưa bà?

Theo tôi vào lúc này, cùng với những cố gắng từ phía chính quyền như việc lập chốt, tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn dịch... cũng cần có sự vào cuộc quyệt liệt ngày tư đầu người dân.

Trước mắt, bà con cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại thật kỹ và ngăn chặn tối đa người ra vào chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời bà con phải tập trung vào chăn nuôi an toàn sinh học và luôn chăm sóc, nuôi dưỡng giúp đàn lợn luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, làm sao để có thể phòng, trừ dịch bệnh tốt nhất có thể.

Đối với người chăn nuôi ở vùng dịch, bà con có thể tự lập chốt để kiểm soát, ngăn cản việc vận chuyện lợn ra, vào vùng chăn nuôi của mình. Nếu ở trong vùng dịch thì mọi người cần lưu ý chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và giám sát không để tình trạng nông dân vứt lợn chết dịch ra ngoài môi trường... thì mới có thể giúp hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh.

Hải Đăng