Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ảnh: I.T
Sau khi có lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, giá lúa đông xuân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm nhẹ, thương lái ngừng thu mua. Thực hư việc này như thế nào, thưa ông?
- Vụ đông xuân 2019 - 2020, nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có một vụ lúa được mùa được giá dù điều kiện khách quan vô cùng khó khăn do hạn mặn.
Ước tính, với việc chi phí sản xuất giảm, năng suất tăng, giá lúa cao chưa từng có, nông dân có thể đạt lợi nhuận xấp xỉ 40 - 50% trên một đơn vị diện tích, một con số không phải lúc nào cũng có được.
Tuy nhiên, vài ngày gần đây, giá lúa ở khu vực miền Tây đã ghi nhận hiện tượng giảm, nếu tình hình kéo dài, giá lúa rớt xuống dưới 4.000 đồng/kg thì có khi nông dân lại rơi vào tình cảnh thua lỗ.
Có thể thấy, việc tạm dừng xuất khẩu gạo không ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán tiếp của doanh nghiệp bởi hiện nay lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp đã lớn hơn tổng các hợp đồng đã ký, họ chỉ phải chịu lãi vay và tồn kho.
Nhưng việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân vì họ không biết bán lúa cho ai trong khi số lượng gạo tồn kho của vụ đông xuân ước còn khoảng 50%, hiện doanh nghiệp mới mua được hơn 2 - 2,5 triệu tấn, còn khoảng 3 triệu tấn lúa trong dân chưa được giải phóng hết.
Trong khi đó, hiện nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống tiếp vụ hè thu nên chỉ tháng đầu 6 là lại có lúa vụ mới.
Nếu tạm dừng xuất khẩu gạo, nông dân trồng lúa có nguy cơ thua lỗ. Ảnh: I.T
Cũng có ý kiến cho rằng, các nước, trong đó có Trung Quốc đang tăng dự trữ lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính vì vậy, Việt Nam cũng cần cân nhắc để đảm bảo an ninh lương thực. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Hầu hết các nước chịu nhiều rủi ro về thiên tai đều coi an ninh lương thực là vấn đề sống còn và họ đã chủ động được lương thực. Thực tế, số lượng gạo Malaysia, Indonesia nhập không nhiều, Trung Quốc cũng là một quốc gia xuất khẩu gạo lớn, lên đến 3,8 triệu tấn/năm.
Thực tế, 2 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc không nhập gạo trắng từ Việt Nam để tích trữ, họ chỉ nhập gạo nếp vì không tự sản xuất được.
Đây chính là lý do trong cuộc họp trực tuyến với Bộ NNPTNT về sản xuất lúa vụ hè thu, thu đông hôm 27/3, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Long An kiến nghị cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện chủ yếu chỉ có hai doanh nghiệp hàng đầu là Vinafood 1, Vinafood 2 là xuất khẩu nhiều gạo trắng, đây cũng là loại gạo mà Tổng cục Dự trữ nhà nước đang mua vào kho dự trữ quốc gia với lượng 190.000 tấn.
Còn các doanh nghiệp khác chủ yếu xuất khẩu gạo thơm, gạo nếp, Japonica vì giá cao, còn gạo IR 50404 và IR 5451 hầu như không tham gia.
Những năm qua, trong chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo, Bộ NNPTNT có chủ trương tăng diện tích các giống lúa thơm, đặc sản, giảm diện tích lúa phẩm cấp bình thường khiến giá gạo IR 50404 vụ đông xuân này tăng khá cao, khiến các doanh nghiệp lớn khó mua đủ hàng dự trữ đã ký.
Có thể thấy, lượng gạo trắng đã giảm 30% so với vụ trước, trong khi gạo thơm, chất lượng cao tăng 60 - 65%. Về mặt chiến lược xuất khẩu thì đây là hướng đi đúng.
Quan điểm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam như thế nào về quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, thưa ông?
- Rất lo lắng, bởi nếu dừng xuất khẩu thì lượng tồn kho sẽ vô cùng lớn, bởi thời điểm tháng 5 cũng là vào vụ của các nước khác, lúc đó lượng lúa cung ứng ra thị trường lớn, giá cả sẽ có nhiều rủi ro nên doanh nghiệp không mua. Bài toán khó nhất lúc này là lợi nhuận của nông dân.
Sau bài học năm 2008, 10 năm nay, xuất khẩu gạo khá ổn định với lượng bình quân 6 - 7 triệu tấn/năm, việc điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ là vô cùng đúng hướng.
Sau khi Nghị định 107 được điều chỉnh vào giữa năm 2018, việc xuất khẩu gạo được tự do hóa, chúng ta không nắm được thông tin các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bao nhiêu hợp đồng đã ký mà chỉ biết khi việc xuất khẩu đã xong.
Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh như Covid-19 đặt ra vấn đề an ninh lương thực nhưng chúng ta lại không nắm rõ số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, số hợp đồng đã ký nên những việc như vừa qua có thể hoàn toàn xảy ra.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương hoặc Hiệp hội phải biết trước các hợp đồng xuất khẩu gạo mà doanh nghiệp đã ký nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
"Quan điểm của Hiệp hội là chúng ta vẫn nên cho xuất khẩu gạo một cách có kiểm soát. Bộ Công Thương hoặc Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải quản lý được hợp đồng xuất khẩu, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đăng ký trước hợp đồng trước khi làm tờ khai hải quan". (Ông Đỗ Hà Nam- Phó Chủ tịch VFA) |
Như vậy, theo ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, làm thế nào giải được bài toán vừa đảm bảo an ninh lương thực mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu gạo?
- Hiện nay, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines nhưng thời gian qua, họ cũng đã có một số động thái để kiểm soát chặt nhập khẩu. Vì vậy, nếu thị trường này có biến động thì lượng tồn kho là khổng lồ.
Nếu quản lý được hợp đồng xuất khẩu, chúng ta sẽ có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn, tránh những thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo, lúc đó nông dân luôn là đối tượng chịu thiệt thòi.
Xin cảm ơn ông!