Sử dụng nông nghiệp thông minh
Anh Châu Trọng Hữu, ngụ ở phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ cho biết: Do ở khu vực đô thị, có ít đất sản xuất nên năm 2014, anh phối hợp với một người bạn ở cùng địa phương nghiên cứu trồng thử nghiệm nấm linh chi, nấm bào ngư. “Mô hình này không cần nhiều diện tích, chỉ cần chút ít kỹ thuật, làm được căn nhà kính giữ nhiệt độ ổn định là có thể có sản phẩm sạch bán”, anh Hữu chia sẻ.
Cũng theo anh Hữu, chỉ sau 1 năm làm thử nghiệm và tìm nguồn tiêu thụ, mô hình trồng nấm linh chi, nấm bào ngư của anh đã đi vào ổn định. Ngoài quảng cáo qua bạn bè, hàng xóm, anh còn giới thiệu trên các trang mạng xã hội. Để việc xuất bán được thuận tiện, sản phẩm gửi được đi xa, anh còn sấy khô cho vào từng túi nhựa, ép chân không. Đến nay, sản phẩm của anh được tiêu thụ mạnh ở các chợ, quán ăn, siêu thị và có lúc hàng không có đủ để cung cấp.
Anh Hữu nói: “Sản phẩm nấm của tôi là hoàn toàn an toàn, do trồng trong nhà kính, không sử dụng thuốc và nước bẩn vì nếu làm vậy nấm sẽ chết. Đây cũng là lý do mà sản phẩm của tôi được khách ưa chuộng. Tuy chỉ với một mảnh đất nhỏ khoảng 350m2 nhưng mỗi ngày tôi có doanh thu vài trăm nghìn đồng, khoẻ hơn đi làm các nghề khác”.
Anh Võ Văn Tiếp, ngụ cùng ở phường Trà An cho biết, anh cũng đã “biến” căn phòng 9m2 trong nhà của mình thành “căn cứ đặc biệt” sản xuất đông trùng hạ thảo. Trong căn phòng nhỏ này, anh thiết kế thành 7 kệ, chứa khoảng 2.500 lọ nuôi đông trùng hạ thảo. Để loại dược liệu quý này sống và phát triển, anh sử dụng máy lạnh, máy đo nhiệt độ và áp dụng nhiều kỹ thuật có liên quan.
“Nhìn bên ngoài nhà, không ai có thể nghĩ, bên trong lại là một nơi sản xuất đông trùng hạ thảo. Ở đô thị như TP.Cần Thơ thì rất khó để có được diện tích đất lớn, nguồn nước và không khí thật sự sạch. Vì vậy, tôi đã phối hợp với một số người bạn cùng chí hướng, đều mê đông trùng hạ thảo thiết kế căn phòng siêu nhỏ trong nhà trở thành nơi để sản xuất, kiếm ra tiền”, Tiếp phấn khởi chia sẻ.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, chị Nguyễn Thị Thủy (ấp Tân Thuận An, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long) đang trồng một vườn lan thật đẹp mắt ở trước sân nhà. Chị Thuỷ chia sẻ: “Tận dụng khoảng sân trống trước nhà, tôi trồng trên 1.000 cây lan Dendro nắng và Mokara. Hiện vườn lan phát triển khá hiệu quả. Hiện nay, tôi cắt cành bán, cho thu nhập khá ổn định”.
Cũng như chị Thuỷ, nhiều hộ dân ở TP.Vĩnh Long cũng phát triển mô hình trồng lan bán cành trên. Mô hình này không cần có nhiều kinh nghiệm, đầu tư vốn cao. “Chỉ đầu tư nhà lưới, giàn, chậu, hệ thống phun tưới... cùng với cây giống tốt là có vườn lan”, ông Dương Văn Bảy, ấp Tân Thuận An nói.
Ngoài ra, TP.Vĩnh Long còn có các mô hình làm nông nghiệp đô thị có hiệu quả như: Nuôi bồ câu an toàn sinh học, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi lươn thương phẩm trong lồng đặt ở ao, trồng rau màu...
Trên địa bàn một số tỉnh TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), TP.Vị Thạnh (Hậu Giang), TP. Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh)… những năm gần đây cũng đã xuất hiện nhiều mô hình hay ở đô thị như: Mô hình trồng hoa lan, trồng nấm bào ngư, trồng xoài theo hướng an toàn... Trong đó, có một số mô hình gắn kết phát triển du lịch sinh thái.
Kết hợp nghề nông và du lịch
Theo phóng viên tìm hiểu, các mô hình nông nghiệp đô thị trên không những góp phần giải quyết việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân ở thành thị mà còn giúp giải quyết hiệu quả nhu cầu về sử dụng sản phẩm nông nghiệp tươi sống, chất lượng của cộng đồng dân cư.
Đa số lãnh đạo các địa phương cũng như người dân đều chung nhận định, việc phát triển mô hình nông nghiệp này là hướng đi tất yếu. Nó không những góp phần giảm chi phí đóng gói, lưu trữ và vận chuyển sản phẩm để cung ứng cho khu vực đô thị mà có thể tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống và an toàn. Điều này hết sức ý nghĩa khi yêu cầu về thực phẩm ngày càng tăng.
Bà Lê Thị Bé Bảy - Phó Phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy thông tin với phóng viên: Bên cạnh trồng rau sạch bán cho các quán ăn, nhà hàng, chợ, các hộ gia đình trong đô thị còn hướng đến việc trồng rau phục vụ du lịch. Bà Bảy nói: “Khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế rất ngại khi ăn rau ở các khu du lịch, mặc dù mình quảng cáo là rau sạch. Vì vậy, tới đây chúng tôi đã có kế hoạch phát triển mô hình trồng rau thuỷ canh, mô hình người mù trồng rau sạch, vừa cho khách tham quan, vừa bán được rau”.
Theo Trung tâm Khuyến nông TP.Cần Thơ, để phục vụ sản xuất, phát triển nông nghiệp đô thị, thời qua, Trung tâm đã triển khai các mô hình thí điểm như trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, hoa kiểng, nuôi lươn trong bể lót bạt. Các mô hình này tuy diện tích nhỏ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, các mô hình nông nghiệp đô thị vùng ĐBSCL gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, đòi hỏi phải có sự trợ giúp từ nhiều phía. Nhiều hộ dân chia sẻ, do thấy mô hình có diện tích nhỏ, không có đất và tài sản thế chấp khác nên các ngân hàng không cho vay vốn để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, về lâu dài, để mô hình nông nghiệp này phát triển ổn định, người dân rất mong được hỗ trợ thêm từ cơ quan chuyên môn như tìm giống cây trồng, vật nuôi mới, hỗ trợ kỹ thuật cao để sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh được với thị trường.