Trên địa bàn TP.HCM, nhiều trường Tiểu học và THCS đã tổ chức các hoạt động vui chơi dịp hè, vừa giúp học sinh rèn kỹ năng sống, vừa giải được nỗi lo tìm chỗ gửi con của phụ huynh.
Đây là năm thứ hai TP.HCM thực hiện chỉ đạo trường học không được tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa trong dịp hè. Bằng sự sáng tạo và linh hoạt, nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn Thành phố đã tổ chức các hoạt động vui chơi dịp hè bổ ích, vừa giúp học sinh ôn tập kiến thức, rèn kỹ năng sống, vừa giải được nỗi lo tìm chỗ gửi con của phụ huynh trong dịp hè.
Học hè theo hình thức câu lạc bộ
Sáng 4.7, giờ học trồng rau mầm trên sân thượng của 30 học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) dưới sự hướng dẫn của cô giáo Ngô Thụy Lan Phương đã diễn ra trong tiếng cười và những câu cảm thán “ồ, à” đầy sôi nổi. Sau khi được giáo viên giới thiệu lợi ích của việc trồng rau, ăn rau cũng như một số món ăn chế biến từ rau, học sinh được hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc cho cây mau lớn.
Vừa xếp hàng di chuyển qua vườn trường, các em vừa “ê a” đọc bài thơ do chính cô giáo hướng dẫn sáng tác “Cùng nhau nắm tay/ Ta đi trồng rau/ Rau ơi, lớn mau/ Để bé thu hoạch/ Rau sạch bé ăn”. Hàng loạt cánh tay bé xíu đã đưa lên khi nhìn thấy từng vuông đất xinh xắn và hồ hởi với các hoạt động ngoại khóa tập làm nông dân. “Cô ơi, đất này có… rắn không cô?”, “Làm sao biết cây đã uống đủ nước?”, “Phải nhổ cỏ thế nào để không làm đau đất vậy cô?”…
Em Lương Gia Phúc, học sinh Trường Mầm non Lê Thị Riêng (quận 1) cho biết: “Hết hè này con mới vào lớp 1. Lúc đầu sờ đất con sợ dơ, sợ kiến nhưng được cô phát bao tay kỳ diệu (bao tay làm vườn giáo viên phát cho mỗi học sinh - phóng viên), con không sợ nữa”.
Ở một lớp học khác, em Hồ Thị Mỹ Xuân, học sinh lớp 4/2 Trường Tiểu học Cổ Loa (quận Phú Nhuận) tỏ ra hào hứng với tiết học “Làm hộp đựng quà hình xí ngầu” do cô giáo Nguyễn Kim Thảo đứng lớp. Xuân cho biết, những mùa hè trước em toàn ở nhà xem ti vi, năm nay mới được ba mẹ đăng ký cho học hè cùng các bạn. “Nhờ học con mới biết giấy thủ công có nhiều công dụng. Cả lớp vừa tô vẽ, cắt dán hộp quà ra đủ mọi hình thù...”. Xuân vui vẻ cho biết.
Theo cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu lạc bộ tổ chức cho học sinh sinh hoạt trong dịp hè. Bên cạnh một số câu lạc bộ giúp học sinh ôn luyện kiến thức, nâng cao các kỹ năng toán và tiếng Việt nhà trường còn tổ chức các câu lạc bộ về kỹ năng sống, bồi dưỡng các môn năng khiếu như hội họa, âm nhạc, bơi lội, bóng rổ, bóng bàn, thể dục nhịp điệu…
Đặc biệt, với câu lạc bộ “Em yêu trường em”, học sinh không chỉ được tham quan, tìm hiểu các hoạt động tổ chức trong trường mà còn học cách trang trí lớp học, vệ sinh, bảo vệ cây xanh trong trường. Cô Hương cho biết, thời khóa biểu giữa các câu lạc bộ được sắp xếp linh hoạt, nhà trường tổ chức cả hai hình thức, học một buổi và học bán trú nguyên ngày nên có rất nhiều học sinh từ các quận 8, Tân Bình, Phú Nhuận cũng đăng ký tham gia sinh hoạt.
Mở rộng phạm vi chương trình ngoại khóa
Cũng với tiêu chí tổ chức hoạt động hè để tạo thêm sân chơi cho học sinh, từ giữa tháng 6.2017, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) đã mạnh dạn tổ chức nhiều câu lạc bộ như thực nghiệm Lý - Hóa - Sinh, Toán, Văn, Thể dục tự chọn, Tin học, Robotics, nghệ thuật, kỹ năng sống. Trong đó, học sinh được tìm hiểu kiến thức liên quan các môn học thông qua hoạt động trải nghiệm từ thực tiễn, thay vì học trong sách vở.
Đơn cử tại câu lạc bộ thực nghiệm Lý - Hóa - Sinh, các em sẽ được hướng dẫn cách trồng giá, làm xà bông, cách xác định dấu vân tay, lắp kính vạn hoa... Để bài học trở nên sinh động, nhiều câu lạc bộ đã tổ chức các buổi thực nghiệm, báo cáo thu hoạch ngay tại sân trường giúp học sinh tăng thêm tính trải nghiệm. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều câu lạc bộ năng khiếu và thể dục thể thao giúp học sinh vừa học tập, vui chơi vừa có điều kiện tăng cường sức khỏe.
Tương tự tại quận Gò Vấp, cuối tháng 6 vừa qua, gần 300 học sinh đến từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận đã được tham gia trải nghiệm một ngày tập làm nông dân tại một nông trại thuộc xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi - một trong những hoạt động do Quận đoàn phối hợp với Nhà thiếu nhi quận Gò Vấp tổ chức. Không chỉ được vọc tay xuống sông bắt cá, nhúng chân xuống bùn học cách trồng lúa, các em còn được tham gia nhiều hoạt động đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội như đi qua cầu khỉ, chèo thuyền, nhổ cỏ…
Nhiều năm trở lại đây, bên cạnh các hoạt động học tập, thi cử, sân chơi hè đã được Sở GD-ĐT TP.HCM đặc biệt quan tâm, chú trọng. Đây là tín hiệu vui, nhưng cũng đặt ra bài toán các trường học cần quan tâm, đầu tư hơn nữa trong việc tổ chức các hoạt động hè để “học kỳ thứ ba” thật sự trở nên có ý nghĩa, vừa giảm được áp lực học tập trong năm học, vừa tạo ra động lực, giúp học sinh hào hứng bước vào năm học mới.